Kịch bản nào cho thị trường bất động sản TP.HCM năm 2021?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kịch bản nào cho thị trường bất động sản Việt Nam 2021 đang là một câu hỏi được người dân, nhà đầu tư cá nhân, chủ đầu tư bất động sản và các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm. Đến thời điểm này, mặc dù đã bước sang năm mới 2021 gần nửa tháng, nhưng chưa ai dám chắc tình hình bất động sản ở TP.HCM và các khu vực phụ cận năm nay sẽ trầm lắng hay sôi động.
Năm 2021, dự báo nguồn cung căn hộ mới sẽ tăng mạnh ở hầu hết các địa phương. Ảnh: Ngô Ngãi
Năm 2021, dự báo nguồn cung căn hộ mới sẽ tăng mạnh ở hầu hết các địa phương. Ảnh: Ngô Ngãi

Kỳ vọng nguồn cung tăng ở các phân khúc

Trong tất cả các phân khúc bất động sản hiện nay, những phân khúc phục vụ sát sườn nhu cầu nơi ăn chốn ở, an cư lạc nghiệp của người dân luôn tạo được tính thanh khoản cao. Vì lẽ đó, trong năm 2021 này, phân khúc căn hộ vẫn được kỳ vọng có nguồn cung dồi dào nhất.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho rằng, năm 2021, nguồn cung căn hộ mới sẽ tăng mạnh ở hầu hết các địa phương. Kéo theo đó, sức cầu cũng tăng so với năm 2020, tuy nhiên rất khó sôi động như năm 2019.

Trong đó, ở TP.HCM, khu Đông (thành phố Thủ Đức) và khu Nam (Quận 7, Nhà Bè) tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung mới. Căn hộ hạng A và hạng B dẫn dắt thị trường, còn nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm.

Khái niệm căn hộ hạng C trong những năm gần đây dường như “biến mất” khỏi thị trường, có chăng chỉ còn lại sản phẩm căn hộ thuộc nhà ở xã hội, nhưng giỏ hàng này thường không nhiều. Mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 đối với căn hộ hạng C hiện nay ở các khu vực giáp ranh TP.HCM cũng khan hiếm.

Tiếp sau phân khúc căn hộ, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2021 có thể phục hồi và tăng so với năm 2020. Theo dự báo của các chuyên gia bất động sản, nguồn cung của phân khúc này tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Đất nền vẫn tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư 'ăn chắc mặc bền' của khách hàng”, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA Vietnam nhấn mạnh và cho biết, khách hàng của phân khúc này nghiêng về mua để đầu tư thay vì xây nhà để ở.

Riêng nguồn cung mới và sức cầu ở phân khúc nhà phố/biệt thự được dự báo hồi phục tích cực và có sự tăng nhẹ so với năm 2020. Đồng Nai có thể tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới. Ở TP.HCM, khu Đông và khu Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản chuyên phân phối sản phẩm của phân khúc này cho hay, thường những dự án nằm trong khu đô thị lớn, được quy hoạch bài bản bởi chủ đầu tư uy tín và có giá trị khoảng 10 tỷ đồng/căn sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Tìm kiếm lực đẩy mới

Giai đoạn 2013 - 2015, thị trường bất động sản cả nước lúc ấy gặp phải rất nhiều khó khăn do nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ đều sụt giảm, thậm chí không ghi nhận giao dịch. Để vực dậy thị trường, Nhà nước đã thông qua và ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ như gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hệ thống văn bản pháp luật quan trọng gồm: Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014,...

Cùng với đó, Nhà nước cũng đã đẩy mạnh triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn. Tất cả những yếu tố trên đã tạo ra những đòn bẩy quan trọng giúp thị trường bắt đầu hồi phục vào năm 2016.

Tương tự giai đoạn 2013 - 2015, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM năm 2020 cũng đối mặt nhiều thách thức với ảnh hưởng kép từ đại dịch và đà suy giảm kéo dài từ năm 2019. Mặt khác, do sự siết chặt quy trình thủ tục cấp phép dự án của các cơ quan nhà nước, nguồn cung dự án mới tiếp tục sụt giảm đáng kể.

Điều đáng nói là mặt bằng giá liên tục tăng cao. Đặc biệt, mức giá sơ cấp ở các giai đoạn sau tăng trung bình 10 - 15% so với giá bán ở giai đoạn trước. Điều này làm khả năng sở hữu nhà cho người có nhu cầu ở thực với nguồn tài chính không cao càng trở nên khó khăn.

Theo ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bước sang 2021, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường bất động sản nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy giúp phục hồi và tăng tốc trở lại. Trong đó, hai vấn đề cốt lõi cần phải ưu tiên hàng đầu đó là từng bước hoàn thiện chính sách pháp lý, kế đến là phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông để sớm đưa vào sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Điềm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị mới Thủ Thiêm nhận xét, việc công bố quy hoạch thành phố Thủ Đức đang được người dân TP.HCM rất quan tâm. Tuy nhiên, Nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân chủ động có chiến lược phát triển phù hợp.

Bước sang năm 2021, đa số đều dự báo thị trường bất động sản có thể hồi phục với mức độ tích cực tùy từng phân khúc cụ thể. Chưa thể nói trước điều gì sẽ xảy ra nhưng đó là một tín hiệu lạc quan và mọi người có quyền hy vọng và chờ đợi.

Chuyên đề