Không để lỡ đà tăng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 7 cũng như 7 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam vẫn xuất siêu, nhưng trước những diễn biến bất lợi của kinh tế, địa chính trị toàn cầu, hoạt động này đang có dấu hiệu chững lại.
Tính chung 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 764 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên
Tính chung 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 764 triệu USD. Ảnh: Lê Tiên

Nhận diện khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp, đồng thời yêu cầu các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phát huy hơn nữa vai trò “cầu nối” hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu (XK).

Tổng cục Thống kê đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tháng 7 và 7 tháng năm 2022. Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8%; trong đó, xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD).

Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%. Trong đó, điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng… là những mặt hàng có giá trị XK lớn.

Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch NK hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù thu được những kết quả khả quan, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. Thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường vừa diễn ra, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, thương mại toàn cầu đang có diễn biến phức tạp, căng thẳng cạnh tranh địa chính trị giữa các nước ngày càng gay gắt, lạm phát có dấu hiệu tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể nghiêm trọng hơn… “Tất cả những yếu tố này có thể tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn trên 200%”, ông Diên nhận định.

Tại Hội nghị, ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, Hoa Kỳ là một trong những thị trường XK lớn của nước ta. Thị trường này có dấu hiệu suy giảm liên tiếp trong 2 quý đầu năm 2022, lạm phát cao... có thể tác động tiêu cực hoạt động XK của DN Việt Nam.

Với thị trường một số nước Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm thị trường Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia) cho biết, các nước Bắc Âu đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm xanh với hàng nhập khẩu. Thời gian qua, một số sản phẩm xuất xứ Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn cao… Vì vậy, các DN XK cần đặc biệt chú trọng vấn đề này, từ đó nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã có một chương trình hành động để hiện thực hóa, hỗ trợ cho doanh nghiệp để tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Thời gian qua, Bộ Công Thương triển khai hoạt động kết nối giao thương cũng như xúc tiến thương mại trên nền tảng số và trong thời gian sắp tới cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác này.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để XNK tiếp tục “thông suốt” cần bảo đảm sự kết nối giữa các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và hiệp hội DN để các bên có thể cập nhật thông tin thị trường nhanh, hiệu quả, từ đó tận dụng tốt nhất các cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Minh Thắng cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt, phân tích chính sách của Hoa Kỳ có ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa 2 nước; đi sâu nghiên cứu, nắm vững thị trường để hỗ trợ XK… Đối với DN Việt Nam, ông Thắng cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để tăng sức cạnh tranh.

Đại diện thương vụ tại một số thị trường khác như: Australia, Trung Quốc… cũng khuyến nghị DN Việt Nam cần chú trọng hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho các mặt hàng.

Đại diện các hiệp hội cũng như DN bày tỏ mong muốn thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phát huy hơn nữa vai trò “cầu nối” hỗ trợ DN trong nước xúc tiến thương mại, phát triển thị trường thông qua thu thập cơ sở dữ liệu khách hàng; kết nối với các hiệp hội mua hàng, tập đoàn bán lẻ để xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn; cập nhật sớm thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu…

Chuyên đề