Khơi thông dòng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ hai, sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà đòi hỏi yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là thách thức, song cũng là cơ hội để hàng hóa Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, giá trị, năng suất.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Hương Anh
Trong 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Hương Anh

Thị trường XK lớn của doanh nghiệp Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhìn chung các ngành hàng XK đều gặp khó khăn do tổng cầu thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Vì thế, kim ngạch XK 11 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.

Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm 2023, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc lại có điểm sáng tích cực với kim ngạch XK của Việt Nam ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 17,3% tổng kim ngạch XK cả nước.

Hàng hóa XK chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là: rau quả; xơ, sợi dệt các loại; sắt thép các loại; hóa chất; hạt điều; hải sản; điện thoại các loại và linh kiện; dây điện và dây cáp điện; clinker và xi măng… Trong đó, nông sản là một trong những nhóm ngành hàng có kim ngạch XK tăng trưởng khá.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sầu riêng là một trong những mặt hàng mới được cấp “visa” XK vào thị trường Trung Quốc nhưng đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc, 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 cho thị trường này nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. “Với đà này, dự báo năm 2023, kim ngạch XK sầu riêng vào thị Trung Quốc đạt trên 2,5 tỷ USD. Tính chung, XK toàn ngành rau quả là 3,5 tỷ USD, vượt con số 1,5 tỷ USD của năm 2022”, ông Nguyên lạc quan.

Nhìn nhận về kết quả này, Bộ Công Thương cho rằng, XK sang Trung Quốc tăng là nhờ thực hiện tốt các giải pháp về XK sang các nước có chung đường biên giới.

Ở chiều ngược lại, 11 tháng năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này rất đa dạng, từ nguyên phụ liệu cho tới vật liệu, máy móc, sản phẩm hoàn chỉnh…

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Nhận định về triển vọng XK sang thị trường Trung Quốc thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng còn rất lớn.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Trung Quốc là thị trường có đặc điểm văn hóa, tập quán tiêu dùng tương đồng với Việt Nam. Việt Nam cũng có những lợi thế về một số mặt hàng XK sang thị trường này với chất lượng, chi phí ngày càng cạnh tranh. “Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy XK vào thị trường lớn này”, ông Phương lạc quan.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Đây là thách thức mà các doanh nghiệp phải phải vượt qua để thúc đẩy XK vào thị trường này.

Tại một hội nghị diễn ra gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Đây vừa là thách thức, song cũng là cơ hội để hàng hóa Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh”. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hàng hóa vào thị trường Trung Quốc phải đáp ứng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng ngày càng khắt khe. Chẳng hạn, với hàng nông sản, phải chính ngạch, bảo đảm xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng công nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, khả năng cung ứng nhanh và nhiều với giá cả hợp lý…

Vì thế, trong ngắn hạn, Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, các chi nhánh thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp theo dõi cập nhật thường xuyên những diễn biến của thị trường cũng như sự thay đổi trong quy định pháp lý để hoạt động XK sang Trung Quốc ổn định, bền vững hơn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư