Khơi thông dòng chảy sản xuất, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi nhưng bối cảnh thế giới còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.
Cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng có những cơ hội để nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững. Ảnh: Huấn Anh
Cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng có những cơ hội để nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững. Ảnh: Huấn Anh

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khơi thông dòng chảy sản xuất, kinh doanh để cộng đồng doanh nghiệp (DN) vững bước vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động thích ứng và phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2022 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nhờ việc kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng DN, khu vực DN thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc. 7 tháng đầu năm 2022, số DN gia nhập, quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. “Đến hết tháng 7 năm 2022, cả nước có khoảng 871.000 DN đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhìn nhận, dù có sự phục hồi tích cực, nhưng thực tế DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhiều dự án ở địa phương chưa triển khai được do thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, một số ngành hàng dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay thiếu đơn hàng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh. Đến thời điểm này, dù giá xăng dầu hạ nhiệt nhưng giá cả vật tư, nguyên liệu vẫn chưa giảm tương thích…

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải hành động sớm nhất - hiệu quả nhất để có thể chủ động vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ.

Kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; các hiệp định thương mại tự do mới tạo lợi thế lớn cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư nước ngoài... “Đây thực sự là cơ hội giúp cho DN Việt Nam có thể nắm bắt, kiến tạo và tham gia vào một cấu trúc và trật tự thương mại mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đề xuất một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cả trong ngắn và dài hạn nhằm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững với quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển, coi việc tháo gỡ rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền. Nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng DN.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Chính phủ, Thủ tướng luôn đồng hành và sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức, hiệp hội, cộng đồng DN để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bền vững. Thủ tướng đề nghị cộng đồng DN, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường để vượt qua khó khăn. “Mỗi doanh nhân, DN là một chiến sỹ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế để nỗ lực cùng Chính phủ trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các tổ chức hiệp hội cần phát huy vai trò trong hỗ trợ DN thành viên, đẩy mạnh hoạt động kết nối, giúp DN cùng nhau vượt qua khó khăn, thích ứng với giai đoạn mới. DN cũng cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng.

Để hỗ trợ DN phục hồi nhanh và bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số…

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình DN, có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm. Đồng thời, cần thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân nguồn vốn đầu tư công làm vốn mồi, kích hoạt các nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực của DN.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư