Khan hiếm nhà ở bình dân, tồn kho hàng nghìn căn hộ cao cấp

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường bất động sản tại Việt Nam đang khan hiếm phân khúc nhà ở có giá bình dân. Trong khi đó, hàng nghìn căn hộ chung cư, biệt thự cao cấp, nghỉ dưỡng... vẫn tồn kho và chưa thể thoát hàng.

Lệch pha cung cầu

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, các dự án bất động sản (BĐS) mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm khiến nguồn cung BĐS, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, hàng nghìn căn hộ tồn kho chủ yếu tập trung vào phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng…

Về lượng tồn kho BĐS năm 2021, Bộ Xây dựng phân tích, số lượng nhà ở đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng còn tồn, chưa có giao dịch ước tính khoảng 2.286 căn hộ. Lượng tồn kho BĐS năm 2021 ít hơn nhiều so với năm 2020 (năm 2020 khoảng 9.000 căn).

Thị trường bất động sản tại Việt Nam đang khan hiếm phân khúc nhà ở có giá bình dân

Thị trường bất động sản tại Việt Nam đang khan hiếm phân khúc nhà ở có giá bình dân

Bộ Xây dựng đánh giá, nguyên nhân một phần do nguồn cung hầu hết các phân khúc BĐS đều hạn chế. Nhìn chung, các phân khúc như căn hộ bình dân, căn hộ trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đặc biệt là đất nền đều được hấp thụ tốt và tính thanh khoản cao, hầu như không phát sinh tồn kho.

Giải pháp cân đối thị trường bất động sản

Bộ Xây dựng cho rằng, 2021 là năm có nhiều khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Thị trường BĐS chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, gián đoạn, hàng loạt dự án phải tạm dừng xây dựng.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, giá BĐS, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm 2022. Trong năm 2021, hiện tượng đổ xô đi đấu giá, đầu cơ, cùng những ồn ào về phân lô, bán nền... đã khiến không ít người lo ngại cơn sốt đất sẽ quay lại. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra "bong bóng" BĐS năm 2022 là khó xảy ra.

Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ được kiểm soát sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo, cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich (Bình Phước), quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), điều chỉnh bảng giá đất tại TP. Đà Nẵng…

"Nếu không được kiểm soát tốt, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng sốt giá BĐS trong năm 2022. Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng có thể tác động làm thị trường BĐS phát triển nóng", Bộ Xây dựng nhận định.

Giá đất nền đã được kiểm soát, khó xảy ra nguy cơ "bong bóng" bất động sản năm 2022

Giá đất nền đã được kiểm soát, khó xảy ra nguy cơ "bong bóng" bất động sản năm 2022

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS nên xem xét tăng tỉ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội. Mặc dù lợi nhuận thấp, nhưng có tính thanh khoản cao và ít rủi ro.

Đồng thời, góp phần cùng Nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư. Đồng thời cùng nhau phối hợp để kiểm soát giá nhà, không để xảy ra tình trạng giá nhà tăng nóng, tăng ảo như năm 2021.

Để kéo giá bán BĐS về mức “vừa tầm tay”, theo ông Lê Hoàng Châu, việc đầu tiên cần giải quyết là phải khơi thông nguồn cung với những giải pháp căn cơ, cải cách trong cơ chế phê duyệt dự án. Cũng như mở ra những ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ. Ngoài ra, muốn giá nhà giảm, Chính phủ, Bộ Xây dựng nên xem xét việc cắt giảm quá trình xin cấp phép dự án, từ 2 năm, xuống còn 1 năm, hoặc ngắn, nhanh gọn nữa.

Chuyên đề