Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Dự kiến, vào chiều ngày 11/12 tới, Lễ ký kết Biên bản Kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA) sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hiện tại, việc đi đến thỏa thuận và ký kết UKVFTA có ý nghĩa vô cùng to lớn và thiết thực với 3 lý do cơ bản. Thứ nhất, đây là nhu cầu hoạt động cần thiết cho cả hai quốc gia vì Brexit khiến Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 sẽ không còn áp dụng đối với Vương quốc Anh sau ngày 31/12/2020. Thứ hai, cả Vương quốc Anh và Việt Nam đều mong muốn hoàn tất thỏa thuận này càng sớm càng tốt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau Covid-19. Thứ ba, các điều khoản của UKVFTA năm 2020 phần lớn sẽ giống với FTA giữa Việt Nam và EU, nghĩa là hai nước không cần phải tiến hành một thập kỷ đàm phán.

Nhiều năm qua, Anh đã trở thành thị trường lớn thứ 2 tại châu Âu (sau Đức) đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Quan hệ thương mại hai nước phát triển theo chiều hướng có lợi cho nhiều sản phẩm Việt Nam thể hiện qua mức xuất siêu khoảng gần 5 tỷ USD/năm. Cơ cấu hàng hóa Việt Nam và Vương quốc Anh có độ bổ sung lớn. Theo đó, khi có UKVFTA, hàng hóa Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar bởi đây là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Bên cạnh đó, khi có UKVFTA, Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại từ các doanh nghiệp Anh cũng như có thêm cơ hội thu hút khách du lịch Anh sau khi dịch Covid-19 kết thúc; khích lệ các quan hệ hợp tác song phương khác với Anh trong các lĩnh vực hỗ trợ phát triển, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục và đào tạo…

Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, khi UKVFTA có hiệu lực, dự kiến Vương quốc Anh có thể đầu tư mạnh vào các ngành kinh tế của Việt Nam, nhất là vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh từ năm 1973, suốt 47 năm qua, hợp tác thương mại giữa Anh và Việt Nam không ngừng phát triển. Hợp tác về kinh tế giữa Anh và Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật. Đến hết tháng 8 năm 2020, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Chuyên đề