Bất động sản tiếp tục giữ vững vị thế là một món đầu tư an toàn |
Nhu cầu bất động sản sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ vào nhân khẩu học
Tập đoàn tư vấn bất động sản toàn cầu JLL cho biết, khối lượng đầu tư bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 sẽ vẫn tăng 5%, mặc dù đà tăng trưởng sẽ chậm lại.
Ông Stuart Crow, Giám đốc bộ phận thị trường vốn tại Châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết: “Trải qua mười năm của chu kỳ kinh tế, các nhà đầu tư đang phải đối mặt với nhiều rủi ro vĩ mô và bất ổn địa chính trị như lãi suất tăng, căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, và các căng thẳng tại Liên minh Châu Âu do đàm phán Brexit gây ra”.
Trái ngược với bức tranh kinh tế, bất động sản tiếp tục giữ vững vị thế là một món đầu tư an toàn, với lợi ích đa dạng hóa danh mục đầu tư và lợi nhuận tương đối cao hơn so với các loại tài sản khác. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối chu kỳ, các nhà đầu tư vẫn cân nhắc kỹ lưỡng trong việc thoái vốn vì việc tìm kiếm tài sản đầu tư thay thế có hiệu suất đầu tư tốt đang dần trở nên khó khăn hơn.
Tại Châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu bất động sản sẽ tiếp tục được thúc đẩy nhờ vào nhân khẩu học. Dân số đô thị trong khu vực dự kiến sẽ vượt 400 triệu người vào năm 2027, trong khi tầng lớp có độ tuổi từ 65 trở lên sẽ đạt 146 triệu người trong vòng 10 năm tới. Đến năm 2021, thị trường thương mại điện tử Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ chạm mức kỷ lục lên đến một nghìn sáu trăm tỷ USD.
Tiến sĩ Megan Walters, Giám đốc nghiên cứu thị trường Châu Á - Thái Bình Dương của JLL nhấn mạnh: "Mặc dù có nhiều vấn đề vĩ mô, chúng tôi tin rằng tiềm năng đầu tư mạnh mẽ của khu vực sẽ giúp cân bằng lại những rủi ro, thúc đẩy các nhà đầu tư và khách thuê tìm đến các lĩnh vực đầu tư an toàn hoặc những ngành ít bị phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế".
Theo JLL, có năm xu hướng chính sẽ định hình ngành công nghiệp bất động sản ở châu Á Thái Bình Dương vào năm 2019.
Tài sản “cư trú” theo độ tuổi tăng trưởng
Số lượng dân thành thị ngày càng cao không ngừng thúc đẩy nhu cầu cư trú mới thay thế nhà ở truyền thống – nhà ở gắn liền với đất, bao gồm kí túc xá, co-living, chung cư, viện dưỡng lão.
“Trên góc độ của nhà đầu tư, các tài sản cư trú này mang lại lợi nhuận rất hấp dẫn và có triển vọng tăng trưởng dài hạn; vượt trội hơn so với nhà ở truyền thống nhờ vào việc tối ưu hóa không gian và chất lượng của dịch vụ quản lý tòa nhà. Chẳng hạn, dịch vụ chăm sóc tuổi già có hiệu suất đầu tư từ 11-14% tại Tokyo, và 8-12% tại Singapore,” ông Crow giải thích.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng không gian làm việc chung như một cách để nâng cao sự sáng tạo của nhân viên và giành thế thượng phong trong cuộc chiến giành nhân tài. Việc tập trung vào trải nghiệm của nhân viên thúc đẩy số lượng các văn phòng linh hoạt tăng trưởng - bao gồm văn phòng dịch vụ và văn phòng chia sẻ - trên toàn khu vực.
"Đến năm 2030, không gian làm việc linh hoạt sẽ chiếm đến 30% trong tổng số danh mục đầu tư bất động sản thương mại của các tập đoàn trên toàn thế giới. Điều này có nghĩa là các thương vụ hợp nhất sẽ trở nên phổ biến hơn - chủ nhà và nhà phát triển sẽ bắt tay nhau tạo ra loại hình dịch vụ không gian linh hoạt của riêng họ, liên doanh với các nhà cung cấp cùng ngành hoặc xem xét việc sáp nhập và mua lại giữa các thương hiệu coworking với nhau", Tiến sĩ Walters nhận định.
Kỷ nguyên của thành phố thông minh
Điều đáng lưu ý là, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua thương mại điện tử đã tạo ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp vì họ phải thiết lập trung tâm dữ liệu cũng như kho bãi chứa hàng bán lẻ.
Ông Crow cho rằng, tỷ lệ tiêu dùng mạnh mẽ đang thúc đẩy nhà đầu tư chuyển hướng sang trung tâm dữ liệu và logistic tại Châu Á - Thái Bình Dương. Hai lĩnh vực này sẽ tiếp tục mở rộng với nguồn vốn, nhắm vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Thị trường logistic tại Sydney đã tăng gấp bảy lần từ năm 2015 đến 2017.
Vẫn theo ông Crow, với tình hình ngân hàng các nước đang thắt chặt cho vay đã mở cửa cho các tổ chức cho vay phi ngân hàng và dòng vốn nước ngoài lập tức tham gia vào thị trường, đặc biệt là tại Úc, Ấn Độ và Trung Quốc. Kết quả là tạo ra sự gia tăng đột biến số lượng các nhà đầu tư chuyển hướng sang đầu tư nợ toàn cầu, những người cung cấp các hình thức cho vay linh hoạt hoặc cấp vốn cho các dự án được tuyển chọn.
Mặt khác, chiến dịch xây dựng thành phố thông minh đang phát triển mạnh mẽ tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc; khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận lượng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến nhằm tối đa hóa hiệu quả, tính bền vững và cải thiện cuộc sống cho cư dân.
Tiến sĩ Walters cho biết: Proptech – thuật ngữ của bất động sản và công nghệ - đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các thành phố trong tương lai. Vì các thành phố thông minh có nhu cầu sử dụng dữ liệu cao, việc quản lý và phát triển tài sản thông minh cho phép thu thập và phân tích dữ liệu trên diện rộng – hai yếu tố này đều rất quan trọng để các thành phố tạo ra môi trường sống tốt hơn cho số lượng dân đang ngày càng bùng nổ.