Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hỗ trợ xuất nhập khẩu
Tại Hội thảo về Bao thanh toán quốc tế hỗ trợ các công ty xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp cận các cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) diễn ra ở TP.HCM ngày 10/5, ông Jinchang Lai, Trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng tài chính của IFC, cho rằng, hoạt động bao thanh toán quốc tế ở Việt Nam còn phát triển thấp so với tiềm năng, trong khi đây là lĩnh vực tài chính phổ biến đang được nhiều quốc gia trên thế giới thúc đẩy. IFC hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ năng động hơn trong lĩnh vực này và IFC sẵn sàng hỗ trợ để phát triển dịch vụ bao thanh toán đến các DN của Việt Nam.
Theo nhận định, với kim ngạch thương mại hàng năm khoảng 300 tỷ USD, Việt Nam cho thấy tiềm năng đáng kể phát triển các dịch vụ bao thanh toán quốc tế.
Thống kê của Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế (FCI) cho thấy, giá trị giao dịch bao thanh toán tại Việt Nam mới chỉ chiếm một phần nhỏ, khoảng 100 triệu Euro. Tuy Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do nhưng nhiều DN trong nước vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các sản phẩm tài chính để phát huy hết thế mạnh trong kinh doanh của mình.
Còn IFC thì nhận định, với việc hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho các khoản phải thu, cùng với các giải pháp quản lý như phòng ngừa rủi ro hay dịch vụ thu nợ, dịch vụ bao thanh toán sẽ giúp DN Việt tận dụng được các cơ hội kinh doanh sắp tới ở trong nước cũng như trên thế giới để tăng trưởng.
Giảm rủi ro, nâng sức cạnh tranh
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào cho biết: Xu hướng toàn cầu hóa và xóa bỏ rào cản thương mại ngày càng tăng, mang lại rất nhiều cơ hội kinh doanh xuyên biên giới. Các DN nhỏ và vừa Việt Nam cần được làm quen với những công cụ tài trợ thương mại mới như bao thanh toán để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như thu hút được các đối tác nước ngoài để nâng cao doanh thu và mở rộng hoạt động kinh doanh.
“Bao thanh toán đơn giản là một gói dịch vụ được thiết kế để tạo thuận lợi tối đa cho thương mại quốc tế nhờ sử dụng những công cụ giảm thiểu rủi ro và tạo thanh khoản nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa các nhà nhập khẩu và xuất khẩu. Vì vậy, đây là một phương thức được ưa chuộng trong thương mại trên khắp thế giới” - ông Peter Mulroy, Tổng thư ký FCI chia sẻ.
Ông Peter Mulroy cũng nói rõ, nếu muốn tăng kim ngạch thương mại, các DN cần phải có những điều khoản hấp dẫn người mua như phương thức thanh toán ghi sổ. Do đó, bao thanh toán có thể tham gia hỗ trợ mà không làm giảm độ an toàn hay ảnh hưởng đến dòng tiền của DN.
Tại Việt Nam, hiện nay, dịch vụ bao thanh toán được thực hiện bởi 8 nhà cung cấp chính thức, ba trong số đó là thành viên của FCI, một mạng lưới toàn cầu tập hợp các công ty bao thanh toán hàng đầu. Về phía IFC, từ năm 2013 cũng thử nghiệm dịch vụ này thông qua Chương trình tài trợ Thương mại toàn cầu cho nhà cung cấp (GTSF), đã tài trợ hơn 4,5 triệu USD cho 11 nhà cung cấp của 4 nhà thu mua quốc tế thuộc ngành may mặc.