IFC giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiết kiệm được 30 triệu USD/năm

(BĐT) - Thông qua Chương trình Cải thiện Hiệu quả Tài nguyên Việt Nam (Vietnam Improvement Program - VIP), IFC - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã và đang hỗ trợ các nhà cung cấp hàng dệt may Việt Nam tiết kiệm được 30 triệu USD/năm. Mục tiêu của chương trình này là nâng cao năng suất và khuyến khích tăng trưởng bền vững của khu vực tư nhân, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước.
 
Mục tiêu của chương trình Cải thiện Hiệu quả Tài nguyên Việt Nam là nâng cao năng suất và khuyến khích tăng trưởng bền vững của khu vực tư nhân
Mục tiêu của chương trình Cải thiện Hiệu quả Tài nguyên Việt Nam là nâng cao năng suất và khuyến khích tăng trưởng bền vững của khu vực tư nhân
Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may hơn 30 tỷ USD/năm, ngành dệt may đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Song chất thải hóa chất đã khiến ngành công nghiệp dệt may trở thành nguồn gây ô nhiễm nước lớn thứ hai tại Việt Nam. Các nhà máy dệt may Việt Nam cũng nằm trong số những nhà máy thâm dụng năng lượng hàng đầu thế giới, sử dụng tới một phần mười tổng tiêu dùng năng lượng của tất cả các ngành công nghiệp trong cả nước.
Trước thực tế này, trong ba năm qua, chương trình VIP đã hỗ trợ 82 nhà máy dệt may và da giày đầu tư $37 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp họ trung bình tiết kiệm được 30 triệu USD/năm nhờ tiết giảm sử dụng nước, năng lượng và hóa chất. Ngoài ra, các nhà máy đã tiết kiệm được tổng cộng bốn triệu mét khối nước và giảm được 303.000 tấn phát thải khí nhà kính một năm.
Các nhà máy này — với các công đoạn cắt may, nhuộm, in, và giặt — gia công cho các nhà bán lẻ và các công ty thời trang hàng đầu thế giới như Adidas, New Balance, Puma, Tập đoàn Target và Tập đoàn VF. Bằng cách cải thiện hiệu năng, các nhà máy sẽ có thể đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng cao từ các khách hàng.
Với việc đầu tư 17,5 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, 35 nhà cung cấp được chọn lựa của Tập đoàn Target đã tiết kiệm được tổng cộng 17 triệu USD/năm nhờ tiết giảm sử dụng nước, năng lượng và hóa chất. Các nhà máy này cũng đã tiết kiệm được tổng cộng 1,9 triệu mét khối nước và giảm được 166.000 tấn phát thải khí nhà kính một năm. Ngoài ra, chỉ bằng cách triển khai các giải pháp không tốn chi phí hoặc tốn ít chi phí đầu tư trong giai đoạn đầu, 25 nhà cung cấp của Target -tham gia vào giai đoạn hai của chương trình VIP - đã sử dụng ít hơn 24% năng lượng và 16% nước ngay trong năm đầu tiên.
“Tập đoàn Target đang theo đuổi một mục tiêu tham vọng về chống biến đổi khí hậu như một phần của cam kết giảm phát thải carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng. IFC và sáng kiến của IFC về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên là một đối tác chủ chốt giúp thực hiện những nỗ lực này, giúp các nhà cung cấp của chúng tôi giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu năng sử dụng năng lượng và nước,” ông Bill Foudy, Phó Chủ tịch Cấp cao và Chủ tịch Khối Phát triển và Đặt hàng nhãn hiệu riêng của Tập đoàn Target cho biết.
Chương trình VIP của IFC phối hợp với Quỹ Công nghệ Sạch (CTF) và Quỹ Tín thác Tăng trưởng Xanh Hàn Quốc đã được triển khai từ năm 2015. Chương trình tập trung hỗ trợ trên diện rộng các giải pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả trong các ngành công nghiệp bằng cách thu hút sự tham gia của các thương hiệu hàng đầu thế giới và các đối tác của họ trong chuỗi cung ứng. Một sáng kiến tương tự - Chương trình Cải thiện Hiệu quả Tài nguyên Cam-pu-chia - gần đây đã được triển khai tại Cam-pu-chia nhằm cải thiện hiệu năng cho khoảng 20 nhà máy may trong năm 2019.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào của IFC nhận định, “Ngành dệt may đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế trong khu vực bao gồm Việt Nam và Cam-pu-chia. Những kết quả tích cực của việc áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng và nước bền vững tại các nhà máy tham gia chương trình của IFC đã cho thấy những giải pháp này vừa giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất vừa cải thiện được tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trong các chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Chuyên đề