HoREA kiến nghị ban hành “bảng giá đất định kỳ 2 - 3 năm một lần”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để xây dựng hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai, giá đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên không ban hành bảng giá đất hàng năm mà chỉ ban hành bảng giá đất định kỳ 2 - 3 năm một lần.
Theo HoREA, việc quy định ban hành bảng giá đất định kỳ 2-3 năm một lần là phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Ngô Ngãi
Theo HoREA, việc quy định ban hành bảng giá đất định kỳ 2-3 năm một lần là phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Ngô Ngãi

Theo HoREA, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo hoàn thiện cơ chế xác định giá đất: Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.

Đặc biệt, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà về lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Nếu quy định xây dựng bảng giá đất hàng năm thì vẫn phải thực hiện trình tự, thủ tục với nhiều công đoạn và các công việc cụ thể rất chi tiết, mất rất nhiều thời gian tương tự như thực hiện quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm một lần hiện nay.

Do đó, theo HoREA, việc quy định ban hành bảng giá đất định kỳ 2 - 3 năm một lần là phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, nhân lực, trang thiết bị công nghệ, phần mềm quản lý hiện nay. Ngoài ra, đi đôi với định lượng, công thức hoá việc định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở, đô thị sẽ bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ làm và không gây rủi ro pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người liên quan trong thực thi công vụ.

Liên quan đến Điểm c Khoản 3 Điều 155 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định áp dụng bảng giá đất để tính thuế sử dụng đất, HoREA cho rằng, quy định này chỉ phù hợp trong trường hợp thu thuế sử dụng đất nông nghiệp (hiện nay, được Quốc hội cho miễn thu đến năm 2025) và trường hợp thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở (chưa đánh thuế nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất) với thuế suất hiện nay rất thấp (0,03%; 0,07%; 0,15% tuỳ trường hợp); chưa tiên lượng các đối tượng chịu thuế.

Do vậy, rất cần thiết bổ sung quy định áp dụng bảng giá đất để tính thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về thuế vào Điểm c Khoản 3 Điều 155 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chưa hết, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, quy định áp dụng bảng giá đất để "tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân" cùng với quy định của pháp luật về thuế "quy định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần" và chịu thuế suất 2% giá chuyển nhượng là chưa chính xác, chưa công bằng, người chịu thuế bị thiệt, chưa phù hợp với nguyên lý của pháp luật về thuế thu nhập là chỉ đánh thuế thu nhập khi có thu nhập chịu thuế và cách thu thuế này chỉ tiện cho cơ quan thuế.

Trước đó, ngày 17/2/2022, UBND TP.HCM đã có Tờ trình số 477/UBND-ĐT trình Chính phủ đề nghị cho phép thí điểm áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất tất cả các dự án nhà ở thương mại không phân biệt giá trị trên hoặc dưới 30 tỷ đồng theo bảng giá đất, thay vì phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất như quy định hiện nay.

Việc áp dụng phương pháp trên là một tín hiệu tốt, sẽ công thức hóa việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị, đảm bảo được tính minh bạch, mà cả Nhà nước và doanh nghiệp đều có thể tiên lượng được số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp vào ngân sách nhà nước, khắc phục được tình trạng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là "ẩn số" như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Điều 155 tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định “Chính phủ quy định chi tiết Điều này” là không hợp lý, bởi lẽ nếu không giao Chính phủ quy định chi tiết thì không sát với thực tiễn và còn có một số trường hợp cần thiết phải phân cấp cho cấp tỉnh quy định cụ thể để đảm bảo phù hợp với tình hình của địa phương.

"Do vậy, rất cần thiết giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 155 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và cần phải tiếp tục phân cấp cho cấp tỉnh quy định cụ thể để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương", HoREA kiến nghị.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư