Theo HoREA, đến nay vẫn còn thiếu Nghị định của Chính phủ để thay thế Quyết định 23/2015/QĐ-TTg (nay đã hết hiệu lực) quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư. Ảnh: Ngô Ngãi |
Theo HoREA, các dự án này chủ yếu có liên quan đến các mặt bằng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; nhà xưởng thuộc dự án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch đô thị theo các Quyết định 09/2007/QĐ-TTg, Quyết định 140/2008/QĐ-TTg, Quyết định 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đã được giao đất theo phương thức chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu giá công khai.
Trong đó có những dự án đã hoàn thành và người mua nhà đã sử dụng ổn định; có những dự án đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua; có những dự án chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua dù đã được giao nhà; có những dự án đang đầu tư, xây dựng dở dang...
Ngày 7/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 342/TTg-V.I chỉ đạo: "Trong thời gian chờ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương khác, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, báo cáo tình hình thực hiện quyết định nói trên trong thời gian qua ở bộ, ngành, địa phương đến Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ".
Do vậy, theo HoREA, các dự án nói trên đã tạm dừng thực hiện cho đến nay làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Trước tình hình cấp bách đó, HoREA đã có các Văn bản số 47/CV-HoREA ngày 11/5/2017 và Văn bản số 48/CV-HoREA ngày 12/5/2017 với 4 đề xuất rất cụ thể.
Một là, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc Quyết định thay thế Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Hai là, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu có "chân gỗ", "quân xanh, quân đỏ".
Ba là, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.
Bốn là, kiến nghị đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).
Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018; Chính phủ đã ban hành các Nghị định 151/2017/NĐ-CP, Nghị định 167/2017/NĐ-CP, Nghị định 63/2018/NĐ-CP để triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nhưng, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đến nay vẫn còn thiếu Nghị định của Chính phủ để thay thế Quyết định 23/2015/QĐ-TTg (nay đã hết hiệu lực) quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), để đảm bảo tính đồng bộ khi thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Vì vậy, trước mắt, để khắc phục lỗ hổng pháp luật do chưa ban hành nghị định này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành nghị quyết để chỉ đạo thực hiện. Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng nghị quyết và nghị định của Chính phủ sớm ban hành.
HoREA rất hoan nghênh và hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về nguyên tắc xử lý các dự án có sai phạm trong việc giao đất nhưng đã bàn giao nhà cho khách hàng hoặc dự án đang thực hiện dở dang.
Cụ thể, những dự án mà doanh nghiệp triển khai đúng quyết định được giao, nếu Thành phố giao đất với giá thấp quá, doanh nghiệp có thể đóng thêm tiền hoặc làm sao đảm bảo lợi ích nhà nước, nhưng dự án thì tiếp tục làm. Không dừng dự án nếu không vi phạm về quy hoạch, để tiền vốn của người dân góp vào đó không mất đi. Đề nghị phải làm rõ quan điểm này và chuyển tải thông điệp đó tới các doanh nghiệp Thành phố.
Nếu doanh nghiệp có những vi phạm khác thì xem xét xử lý sau, nhưng tinh thần là làm sao phát huy hiệu quả nguồn vốn, phục vụ cho dân. Khi triển khai, tùy từng dự án cụ thể, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ có chỉ đạo, tham khảo ý kiến các sở, ngành, đặc biệt là Sở Tư pháp Thành phố để giải quyết, rút kinh nghiệp không để ách tắc loại dự án này, gây thiêt hại cho Thành phố, người dân và doanh nghiệp.
“HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo, giải quyết khó khăn của các loại dự án nói trên, tạo điều kiện cho các dự án phù hợp với quy hoạch hoàn thành đầu tư xây dựng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp bổ sung vào ngân sách theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp có những vi phạm khác thì đề nghị xem xét xử lý sau”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.