Hợp tác kinh doanh với đối tác ngoại: Tránh rủi ro “bỏ trứng vào một giỏ”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trở thành đối tác của các tập đoàn quốc tế lớn được đánh giá là bước đi ngắn nhất để doanh nghiệp Việt Nam bước ra thị trường thế giới, tạo động lực tăng trưởng về quy mô cũng như kết quả kinh doanh. Tuy vậy, nếu quá phụ thuộc vào một vài đối tác, thiếu đi tệp khách hàng đa dạng, doanh nghiệp sẽ phải chịu rủi ro nhân đôi khi đối tác lớn gặp khó khăn hay phát sinh các tranh chấp.
Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước lao đao khi các nhà bán lẻ tại Mỹ và châu Âu gặp khó khăn. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước lao đao khi các nhà bán lẻ tại Mỹ và châu Âu gặp khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Trong vòng 4 ngày (từ 30/3/2024 đến 2/4/2024), Công ty Phú Tài đã công bố 2 báo cáo tài chính được kiểm toán. Trong đó, tại báo cáo tài chính được kiểm toán công bố ngày 30/3/2024, Phú Tài ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 293,6 tỷ đồng. Tại báo cáo kiểm toán độc lập đính kèm, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã nêu ý kiến ngoại trừ với lý do “chưa trích lập dự phòng khoản phải thu với Công ty Noble House Home Furnishings LLC (Noble House) có giá trị tại ngày 31/12/2023 là 60,94 tỷ đồng, dẫn đến chỉ tiêu dự phòng phải thu khó đòi đang ghi nhận thiếu giá trị dự phòng là 42,66 tỷ đồng”. Kết quả là ngày 2/4/2024, Phú Tài công bố báo cáo tài chính được kiểm toán mới thay thế, thực hiện trích lập dự phòng phải thu 42,66 tỷ đồng và làm lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm tương ứng xuống còn 259,5 tỷ đồng. Báo cáo này đã được AASC nêu ý kiến chấp thuận toàn phần.

Công ty Noble House là một khách hàng lớn trong phân khúc sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Phú Tài tại thị trường Hoa Kỳ. Do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, vào ngày 11/9/2023, công ty này đã nộp đơn xin phá sản tại Toà án Nam Texas (Hoa Kỳ). Điều này đã làm phát sinh rủi ro cho Phú Tài trong việc thu hồi công nợ từ đối tác. Báo cáo kiểm toán của AASC cho biết: "Đến nay, chưa có phán quyết cuối cùng của cơ quan toà án, Phú Tài vẫn đang cùng công ty luật đại diện cho các thành viên của Ủy ban chủ nợ không đảm bảo làm việc với các bên liên quan trong vụ kiện để thu hồi khoản nợ phải thu này”.

Bên cạnh khó khăn trong thu hồi khoản phải thu, việc đối tác thực hiện thủ tục phá sản cũng ảnh hưởng đến doanh thu mảng gỗ xuất khẩu của Phú Tài sang thị trường Hoa Kỳ, vốn đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Tác động từ việc Noble House phá sản với Phú Tài được đánh giá là không lớn khi phía Công ty cho biết, doanh thu từ đối tác này chỉ chiếm dưới 5% tổng doanh thu xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ. Nhưng với một doanh nghiệp khác trong ngành gỗ là Công ty CP Cẩm Hà, mức độ tác động là lớn hơn nhiều khi có tới 50% tổng doanh thu tới từ Noble House.

Kết thúc năm 2023, doanh thu thuần của Cẩm Hà thu về là 148,7 tỷ đồng, giảm 45% so với năm 2022. Trong 3 quý cuối năm 2023, mức giảm doanh thu đều trên 50%. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 364 triệu đồng, giảm 94% so với kết quả thực hiện của năm 2022. Ngoài doanh thu sụt giảm, lợi nhuận giảm sâu còn đến từ việc Công ty phải trích lập dự phòng 6,96 tỷ đồng cho các khoản phải thu từ Noble House. Năm 2024, Cẩm Hà lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận chỉ 2 tỷ đồng.

Các đối tác quốc tế lớn gặp khó khăn làm sụt giảm đơn hàng của doanh nghiệp Việt. Ảnh: NC st

Các đối tác quốc tế lớn gặp khó khăn làm sụt giảm đơn hàng của doanh nghiệp Việt. Ảnh: NC st

Trường hợp doanh nghiệp Việt lao đao khi đối tác ngoại gặp khó khăn như Công ty Phú Tài và Công ty Cẩm Hà vốn không mới. Trước đó, dịch bệnh Covid-19 nối tiếp giai đoạn kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ tại Mỹ và châu Âu, khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước bị tác động mạnh.

Điển hình là trường hợp của Công ty CP May Sông Hồng. Việc đối tác lớn nhất tại thị trường Mỹ là RTW Retailwinds, doanh nghiệp sở hữu gần 400 cửa hàng New York&Co tại Mỹ, nộp đơn xin phá sản vào năm 2020 đã khiến May Sông Hồng vừa giảm doanh thu, đơn hàng, vừa phải trích lập dự phòng phải thu tới hơn 153 tỷ đồng. Với trường hợp của Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) và Công ty CP Garmex Sài Gòn, ảnh hưởng do đối tác gặp khó khăn vẫn đang kéo dài đến hiện nay.

Tại Gilimex, chuỗi tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ấn tượng từ 2014 đến 2021 có dấu ấn lớn từ việc gia tăng quy mô sản xuất phục vụ cho các đơn hàng của Amazon Robotics LLC - công ty khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy vậy, kết quả kinh doanh của Gilimex lao dốc kể từ quý II/2022, khi Amazon cắt giảm đơn hàng.

Kết thúc năm 2022, doanh thu của Gilimex giảm 23,7% so với năm 2021, trong riêng quý IV/2022, mức giảm doanh thu lên đến 81,2%. Vào cuối năm 2022, thị trường ghi nhận thông tin Gilimex đã tiến hành các thủ tục khởi kiện Amazon do vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Trong khi vụ kiện chưa có kết quả thì kết thúc năm 2023, doanh thu của Gilimex tiếp tục giảm 70% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế giảm tới 92%.

Nếu lợi nhuận của Gilimex giảm mạnh nhưng chưa đến mức thua lỗ thì với Garmex Sài Gòn, doanh nghiệp chuyên gia công đơn hàng do Gilimex nhận từ Amazon, tình hình khó khăn hơn rất nhiều. Từ vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành may mặc Việt Nam với 5 nhà máy, hơn 70 dây chuyền sản xuất và doanh thu tới hơn 2.000 tỷ đồng (vào năm 2018), doanh thu của Garmex Sài Gòn chỉ còn 292 tỷ đồng trong năm 2022 và rơi về 8,3 tỷ đồng trong năm 2023. Tổng số lỗ sau thuế của 2 năm 2022 - 2023 vừa qua lên đến 136,6 tỷ đồng.

Trong bản “Cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh chính" được Gamex Sài Gòn gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào tháng 3/2024, Công ty cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng để hoạt động, đơn hàng nhỏ, năng suất thấp, giá gia công cạnh tranh dẫn đến doanh thu không bù đắp được chi phí; phải cắt giảm lao động, tạm ngừng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại. Để vượt qua khó khăn, Công ty đã thanh lý bớt tài sản nhưng chỉ bán được một phần và đang tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực kinh doanh mới.

Với Gilimex, đối mặt với thực trạng Amazon cắt giảm đơn hàng, Công ty dồn nguồn lực vào phát triển khu công nghiệp Gilimex Huế (tổng diện tích là 460 ha). Trong năm 2023, GIL đã được Nhà nước cho thuê đất 80 ha, đã san nền được 95% diện tích (68 ha), thi công hạ tầng được 80% diện tích. Năm 2024, Công ty có doanh thu từ hoạt động của khu công nghiệp này.

Trở thành đối tác của các tập đoàn quốc tế được đánh giá là lối tắt để doanh nghiệp Việt nhanh chóng lớn mạnh. Tuy vậy, sự khác biệt về quy mô, vị thế so với đối tác có thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động trong quá trình hợp tác và dễ gặp bất lợi khi “cơm không lành…”.

Chuyên đề