Kiểm soát đà tăng giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Tiến Tân |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 116.900 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, lần đầu tiên vượt mốc 100.000, số DN thành lập mới đạt trên 76.233, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,2 lần so với mức trung bình giai đoạn 2017 - 2021.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), đó là những con số tích cực cho thấy đà phục hồi kinh tế khá ấn tượng, các chính sách hỗ trợ DN phù hợp.
“Việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, mở cửa nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế và cộng đồng DN trong những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách thúc đẩy đà phục hồi của DN, đáng chú ý là gói hỗ trợ lãi suất, giãn, giảm thuế, phí, nỗ lực giảm giá xăng dầu, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch VINASME, trong nửa cuối năm nay, cộng đồng DN vẫn còn nhiều thách thức từ rủi ro lạm phát tăng khiến chi phí đầu vào lên mức cao, hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn vốn... Do đó, ông Nam cho rằng, để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, cần duy trì các động lực tăng trưởng của nửa đầu năm. Theo đó, cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh với các phương án ứng phó linh hoạt, chú trọng kiểm soát đà tăng giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào bằng các giải pháp về thuế, phí đã thực thi. Hơn hết, cần chú trọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để góp phần tăng nhu cầu cho thị trường, tạo tác động lan tỏa trong nền kinh tế.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, DN vận tải đã đỡ khó khăn nhưng vẫn còn nhiều trở ngại trong nửa cuối năm. Trong đó, các DN vận tải du lịch sắp qua mùa cao điểm trong khi nhu cầu đi lại của hành khách vẫn chưa quay lại như trước đây. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của các DN vận tải vẫn còn một số trở ngại, trong đó phải kể đến yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử từ 1/7/2022, nhưng các DN trong Hiệp hội vẫn chưa biết cách sử dụng hóa đơn điện tử.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong nửa cuối năm nay, triển vọng phát triển của DN Việt vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là áp lực lạm phát và những bất ổn đang gia tăng trên thế giới. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc cũng khiến một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vốn dựa nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ quốc gia này gặp khó khăn.
Ngoài ra, các DN cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng trong nước. Khả năng tăng lãi suất huy động lẫn cho vay là vấn đề hiện hữu do áp lực lạm phát và các chính sách kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, theo ông Việt, DN cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế để có những dự báo về thị trường nội địa và xuất khẩu, từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa rủi ro tốt hơn.
Về phía Chính phủ, bên cạnh việc tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, việc đẩy nhanh hơn và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt các chương trình liên quan đến an sinh xã hội, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của DN.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, du lịch phục hồi chậm, cộng thêm chi phí logistics tăng khiến lợi nhuận bị bào mòn là những thách thức không nhỏ với cộng đồng DN. Mặc dù vậy, tinh thần của DN vẫn tương đối lạc quan, 85% DN đánh giá xu hướng quý III sẽ ổn định và tốt lên so với quý II.
Theo ông Khoa, điểm nhấn quan trọng là từ đầu năm nay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực nâng tổng số hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia có hiệu lực lên 15. DN cần nghiên cứu, điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp “luật chơi”, tối ưu chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để tận dụng tối đa lợi ích và tiếp cận thị trường rộng mở từ những FTA này.