Hoàng Anh Gia Lai: Doanh thu từ trái cây chưa như kỳ vọng

(BĐT) - Sau những khó khăn trong năm 2016 khi lần đầu tiên ghi nhận lỗ trước thuế lên đến 1.980 tỷ đồng, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển hướng sang trồng cây ăn quả. 
Năm 2017, Hoàng Anh Gia Lai đạt 1.650 tỷ đồng doanh thu từ bán trái cây
Năm 2017, Hoàng Anh Gia Lai đạt 1.650 tỷ đồng doanh thu từ bán trái cây

Trái cây đã ngay lập tức trở thành nguồn thu chủ đạo và đóng góp lớn cho lợi nhuận của Công ty trong năm 2017. Tuy nhiên, doanh thu từ sản phẩm trái cây vẫn chưa được như kỳ vọng.

Hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu từ trái cây

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017. Theo đó, doanh thu quý IV/2017 đạt 1.160 tỷ đồng, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, doanh thu từ mảng trái cây chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, đạt 34% và mang lại 392 tỷ đồng. Đây cũng là hoạt động có biên lợi nhuận gộp lớn nhất với 73%. Còn lại là doanh thu từ bán bò với 102 tỷ đồng (chiếm 8%) và doanh thu từ dịch vụ cho thuê là 257,8 tỷ đồng (chiếm 22%).

Trái cây là điểm sáng và là sản phẩm chiến lược cho hoạt động kinh doanh năm 2017 của Hoàng Anh Gia Lai khi mà hoạt động chủ lực các năm trước là bán bò bị lỗ. Hoạt động bán trái cây của Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu mang lại doanh thu từ quý II/2017 và cả năm 2017, mảng này mang lại 1.650 tỷ đồng doanh thu thuần cho Công ty, chiếm 33,7% tổng doanh thu. Tuy nhiên, so với kế hoạch đặt ra là 2.573 tỷ đồng thì Công ty mới chỉ hoàn thành 64%.

Lũy kế cả năm 2017, Hoàng Anh Gia Lai đạt 4.895 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 27% so với năm 2016. Lợi nhuận gộp đạt 1.850 tỷ đồng, tăng 151% so với năm 2016. So với kế hoạch năm 2017 mà ĐHĐCĐ giao phó lần lượt là 6.335 tỷ đồng và 2.185 tỷ đồng thì Hoàng Anh Gia Lai mới chỉ hoàn thành 77% và 84,6% kế hoạch. Kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 1.055 tỷ đồng, vượt kế hoạch 91% (năm 2016, Công ty ghi nhận lỗ 1.980 tỷ đồng).

Báo cáo tài chính năm 2017 của Công ty cho biết, ngày 31/8/2016, Hoàng Anh Gia Lai xác định đã chấm dứt toàn bộ quyền kiểm soát đối với Công ty CP Mía đường Hoàng Anh Gia Lai và Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu do chuyển nhượng lại cho bên thứ 3. Do vậy, Hoàng Anh Gia Lai đã hợp nhất báo cáo tài chính tính đến ngày 31/8/2016 của 2 công ty này vào báo cáo tài chính kết thúc ngày 31/12/2016 của mình. Tuy nhiên, các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng 100% sở hữu của Tập đoàn tại 2 công ty này cho bên thứ ba đã hoàn tất vào ngày 22/5/2017. Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai đã xem xét lại và kết luận rằng chấm dứt quyền kiểm soát nhóm công ty mía đường kể từ ngày này và đã điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính hợp nhất cho năm 2016. Việc hồi tố này làm cho lợi nhuận năm 2016 ghi nhận lỗ thêm gần 574 tỷ đồng, lên thành 1.980 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tích cực của Hoàng Anh Gia Lai một phần được hỗ trợ từ doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.680 tỷ đồng, chủ yếu từ thanh lý các khoản đầu tư (808 tỷ đồng) và lãi cho vay các công ty khác (774,5 tỷ đồng). 2 khoản thanh lý chủ yếu của Công ty trong năm 2017 là việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Mía đường Hoàng Anh Gia Lai và Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu với tổng giá bán là 1.330 tỷ đồng và chuyển nhượng toàn bộ 99,92% phần vốn góp trong Công ty CP Cao su Ban Mê với tổng giá trị bán là 130 tỷ đồng. 

Áp lực vốn lưu động

Tại thời điểm cuối năm 2017, tiền và các khoản tương đương tiền của Hoàng Anh Gia Lai là 141 tỷ đồng, giảm 653 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm lượng tiền của Công ty là do gia tăng cho các đơn vị khác vay, mà phần lớn là các công ty con và công ty liên kết. Cụ thể, phải thu về cho vay ngắn hạn cuối năm 2017 là 3.819 tỷ đồng, tăng 89% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn các các công ty liên quan là 1.521 tỷ đồng, chiếm 40%. Còn phải thu về cho vay dài hạn là 7.051 tỷ đồng, tăng 23% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, phải thu về cho vay dài hạn các công ty liên quan là 6.446 tỷ đồng, chiếm 91,5%. Điều này phản ánh phần nào chất lượng dòng tiền của Hoàng Anh Gia Lai.

Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai đạt 12.031 tỷ đồng, trong khi đó tài sản ngắn hạn đạt 8.739 tỷ đồng. Điều này sẽ gây áp lực lớn về vốn lưu động của Công ty trong hoạt động kinh doanh các năm tới. Tổng nợ vay (ngắn hạn + dài hạn) của Hoàng Anh Gia Lai tại thời điểm cuối năm 2017 đạt 22.820 tỷ đồng, giảm 16,5% so với thời điểm đầu năm.

Chuyên đề