Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng gặp gỡ doanh nhân - Ảnh: Tự Trung |
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nhân trên địa bàn được tổ chức sáng 8-3 với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”, nhiều doanh nghiệp đã phản ảnh nhiều bức xúc, trong đó có câu chuyện nóng bỏng nhất hiện nay là chậm hoàn thuế giá trị gia tăng.
Sau khi nghe doanh nghiệp kêu, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo lãnh đạo ngành thuế phải kiểm tra và báo cáo lại xem trách nhiệm trong chuyện này thuộc về ai. Nếu trách nhiệm thuộc về cơ quan thuế, phải xử lý nghiêm cán bộ có liên quan vì tinh thần của buổi gặp gỡ này không phải “lắng nghe rồi để đấy, mà lắng nghe xong phải giải quyết ngay và luôn”.
Để giảm căng thẳng cho doanh nghiệp khi tiền hoàn thuế chưa về, cần có quy định cho phép doanh nghiệp được thế chấp quyết định được hoàn thuế cho ngân hàng để vay bằng đúng với số tiền mà cơ quan thuế đang giữ hộ và Nhà nước sẽ trả phần lãi này
Bà ĐẶNG MINH PHƯƠNG (tổng giám đốc Công ty Minh Phương Logistics)
Doanh nghiệp kêu hoàn thuế quá khó
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội Cơ khí - điện TP.HCM, cho rằng Nhà nước thu thuế sau đó hoàn thuế chậm làm ảnh hưởng đến nguồn vốn của doanh nghiệp. Từng bị ngâm tiền hoàn thuế, ông Tống đề nghị cơ quan ban ngành phải có chính sách hỗ trợ.
“Trước đây doanh nghiệp không xuất khẩu có thuế giá trị gia tăng âm 3 tháng liên tục thì được hoàn thuế, nay âm liên tục 12 tháng mới được hoàn. Nếu sắp tới thông qua sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng thì e rằng doanh nghiệp sẽ càng khổ hơn” - ông Tống nói.
Bị “kẹt” 7 tỉ đồng tiền hoàn thuế từ năm 2011 đến nay, ông Đinh Công Khương, chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thương mại dịch vụ thép Khương Mai, cho biết việc hoàn thuế giá trị gia tăng ngày càng kéo dài, chưa kể điều kiện hoàn thuế được bổ sung rất nhiều điều kiện khó khăn hơn.
Theo ông Khương, trong 5 năm qua, doanh nghiệp ông đã nộp thuế giá trị gia tăng ước 250 tỉ đồng, nhưng lại không được hoàn thuế do vướng nhiều thủ tục, doanh nghiệp buộc phải đi vay tiền để hoạt động. “Mỗi tháng doanh nghiệp xuất vài lô hàng mà tiền hoàn thuế cứ bị nợ làm sao tồn tại nổi” - ông Khương cho biết.
Sau khi được ông Đinh La Thăng yêu cầu trả lời phản ảnh của doanh nghiệp, bà Trần Thị Lệ Nga - cục phó Cục Thuế TP.HCM - nói: “Với doanh nghiệp xuất khẩu từ 300 triệu đồng/tháng trở lên có thể hoàn theo tháng, nhưng kỳ hoàn thuế là do doanh nghiệp tự chọn, chỉ có doanh nghiệp không xuất khẩu mới hoàn thuế 12 tháng. Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng cũng không sửa điều này”. Chưa thỏa mãn với câu trả lời này, ông Thăng đã mời doanh nghiệp trình bày tiếp.
Đứng lên phát biểu, ông Khương bức xúc cho biết cơ quan thuế hết lần này đến lần khác nêu ra nhiều lý do khác nhau để trì hoãn việc hoàn thuế. Lần đầu là do doanh nghiệp lỗ và tồn kho cao, sau đó nêu lý do là doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới đất liền nên phải liệt kê chi tiết từ số xe, tài xế, đi từ điểm nào đến điểm nào...
Tuy nhiên, do doanh nghiệp chưa bổ sung đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan thuế nên cơ quan thuế đã tạm ngưng hoàn thuế để bổ sung.
Sau khi nghe bà Nga giải thích thêm, ông Thăng đề nghị bà Nga kiểm tra và báo cáo lại xem trách nhiệm trong chuyện này thuộc về ai. Nếu trách nhiệm thuộc doanh nghiệp, doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm, còn nếu thuộc về cơ quan thuế thì phải xử lý trách nhiệm các cán bộ có liên quan.
Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn
Cũng tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Văn Minh - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho biết doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn.
“Doanh nghiệp nhỏ luôn vướng vào vòng luẩn quẩn là không có tài sản thế chấp, không có phương án kinh doanh cụ thể, sổ sách không rõ ràng... nên rất khó đáp ứng được những điều kiện cơ bản mà các ngân hàng yêu cầu” - ông Minh nói.
Dù thừa nhận các ngân hàng “không thể rót vốn vào những nơi đầy rủi ro như vậy”, nhưng ông Minh cũng đề nghị cần có những giải pháp linh hoạt, mềm dẻo hơn trong việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
“Thông tin từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở làm ăn nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đều có đầy đủ và rất nhiều từ chi cục thuế địa phương, từ hội doanh nghiệp địa phương. Chỉ cần ngân hàng nắm thông tin tại những nơi này sẽ biết doanh nghiệp nào có tiềm năng, có khả năng tạo ra lợi nhuận, có cơ sở làm ăn tốt... để cho vay. Chỉ cần ngân hàng mạnh dạn, cởi mở và có niềm tin ở những doanh nghiệp này thì tiền sẽ không mất đi đâu mà sợ” - ông Minh chia sẻ.
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM - nói hiện nếu doanh nghiệp chỉ thiếu tài sản thế chấp thì ngân hàng vẫn có thể giải quyết cho vay được bằng cách cho vay tín chấp.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là những doanh nghiệp này chưa minh bạch về tài chính, sổ sách kế toán chưa rõ ràng như ngân hàng yêu cầu.
“Chúng tôi đề nghị phía hiệp hội, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vào cuộc, tư vấn hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp bên cạnh tư vấn của ngân hàng để doanh nghiệp có thể đáp ứng được điều kiện vay, qua đó cũng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” - ông Minh nói.
Chăm lo cho doanh nghiệp phát triển
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Đinh La Thăng đề nghị hằng tháng TP phải có kết quả xử lý những vướng mắc của doanh nghiệp chứ không phải một năm mới thực hiện một lần. Theo ông Thăng, cán bộ các cấp cần phải xem doanh nghiệp là những đối tượng phải được phục vụ vô điều kiện vì doanh nghiệp là người nộp thuế nuôi bộ máy hoạt động.
Ngoài ra cần tạo mọi điều kiện xây dựng môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, không phân biệt thành phần kinh tế. Đồng thời, việc tạo ra tinh thần khởi nghiệp, phong trào khởi nghiệp, nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức công chức cũng cần được thực hiện.
Ông Thăng cho biết sắp tới TP sẽ mạnh dạn đưa ra khỏi bộ máy những cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu hoặc những người không đạt yêu cầu, vì làm chậm cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, TP sẽ cố gắng gặp từng hiệp hội ngành nghề để đối thoại và cam kết tất cả vướng mắc sẽ được tiếp thu và giải quyết.
“Cơ quan quản lý phải tạo cho doanh nghiệp có niềm tin. Lắng nghe không phải để đấy mà phải giải quyết ngay và luôn, tạo điều kiện doanh nghiệp đi trước, chơi với doanh nghiệp là phải trung thực. TP.HCM là đầu tàu kinh tế, do vậy nơi đây phải là nơi khởi xướng, hình thành các chính sách” - ông Thăng nói.
Cho rằng sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của TP.HCM vì doanh nghiệp thành công sẽ thúc đẩy kinh tế TP phát triển, nhưng ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cũng lưu ý doanh nghiệp cần nỗ lực hơn để khẳng định tư thế của mình.
Theo ông Phong, nếu có khó khăn, doanh nghiệp cần đề xuất lãnh đạo TP cùng tháo gỡ. TP cam kết dành hết sức mình để chăm lo cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trường hợp kiến nghị của doanh nghiệp vượt thẩm quyền thì TP sẽ kiến nghị có chính sách tháo gỡ.
Nên cho... thế chấp quyết định hoàn thuế?
Sau phần trả lời của cơ quan thuế trước hội nghị, trao đổi bên lề, nhiều doanh nghiệp cho biết thực tế khác xa với trả lời của cơ quan thuế. Nhiều doanh nghiệp bị ngâm tiền hoàn thuế do những quy định vô lý, thậm chí có quyết định hoàn vẫn chẳng thấy tiền đâu vì không có quỹ hoàn thuế.
Cũng theo các doanh nghiệp, cơ quan thuế đang nại lý do vì ngân sách khó khăn nên chậm hoàn. Nhưng đã đến lúc cần tính cách để tháo gỡ vấn đề này cho doanh nghiệp chứ không thể lấy lý do ngân sách khó khăn rồi “ngâm” tiền hoàn thuế.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Minh Phương, tổng giám đốc Công ty Minh Phương Logistics, cho rằng đã đến lúc ngành thuế và ngân hàng cần liên thông với nhau để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực tế hơn.
Dù rất chia sẻ với Nhà nước về những khó khăn tạm thời khi nguồn tiền chưa có để hoàn thuế cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn nếu không có kịp thời nguồn tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Để giảm căng thẳng cho doanh nghiệp khi tiền hoàn thuế chưa về, cần có quy định cho phép doanh nghiệp có quyết định hoàn thuế được mang thế chấp chính quyết định hoàn thuế này cho ngân hàng để được vay bằng đúng với số tiền mà cơ quan thuế đang giữ hộ và Nhà nước sẽ trả phần lãi này. Như vậy, vừa tránh được áp lực cho cả đôi bên, vừa duy trì được mạch sản xuất của doanh nghiệp không bị gián đoạn” - bà Phương nói.
Thừa nhận đề xuất của bà Phương là “rất mới mẻ, khá táo bạo”, ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch HĐQT Ngân hàng CP Kiên Long, cho biết sẽ nghiêm túc xem xét ý tưởng trên.
“Tôi sẽ rà soát các quy định liên quan đến tổ chức tín dụng hiện nay áp dụng như thế nào. Nhưng rõ ràng, quyết định hoàn thuế cũng là một nguồn thu của doanh nghiệp. Mà đã là nguồn thu thì ngân hàng không có lý do gì mà không cho vay.
Chỉ cần các ngân hàng có hợp tác với cơ quan thuế, chuyển khoản lại cho ngân hàng chính khoản vay mà doanh nghiệp đã được hoàn thuế thì không có vấn đề gì” - ông Thắng nói.