Hậu "sốt đất", nhiều nhà đầu tư "ôm bom"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm này, tình hình số đất đã được kiểm soát, sau một thời gian nhiều địa phương và các bộ ngành liên quan vào cuộc. Việc chạy đua theo thông tin quy hoạch nhằm mua đất đầu cơ, bất chấp mọi rủi ro, đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề cho những khách hàng thiếu kinh nghiệm.
Giá đất ở Cửa Việt tăng mạnh từ đầu năm 2021. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Giá đất ở Cửa Việt tăng mạnh từ đầu năm 2021. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Nhiều nhà đầu tư bị “mắc cạn”

Từ sau Tết nguyên đán 2021, giá đất nền có hiện tượng tăng nóng, tăng cục bộ ở một số địa phương trên cả nước. Trong đó, ở phía Bắc phải kể đến Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ. Ở miền Trung, tâm điểm vẫn là Đà Nẵng, Quảng Nam, kế đến là Huế, thậm chí cả Quảng Trị. Ở miền Nam, ngoài một số địa phương quen thuộc lâu nay như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, thì Bình Phước lại gây sốc khi giá đất tăng chóng mặt do có liên quan đến thông tin quy hoạch sân bay Téc Ních ở huyện Hớn Quản…

Một điểm chung của việc dẫn đến các cơn sốt đất ở những địa phương nói trên là ít nhiều có liên quan đến các thông tin quy hoạch, nơi thì sân bay, nơi thì sắp xây đại đô thị, nơi thì sắp có những dự án giao thông lớn chuẩn bị triển khai hoặc gần đưa vào khai thác, nơi thì sắp lên thành phố trực thuộc trung ương, có nơi từ trị trấn sắp lên thị xã.

Minh chứng như ở Quảng Trị, một vùng đất vốn dĩ không mấy sôi động với thị trường bất động sản, nhưng ngay từ đầu năm nay, câu chuyện "săn đất" bắt đầu rộ lên khi trước đó Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quảng Trị, tại xã Gio Mai và Gio Quang huyện Gio Linh với diện tích 594 ha, theo hình thức đối tác công tư.

Trở lại Quảng Trị hai lần kể từ sau Tết đến nay, phóng viên ghi nhận khu vực biển Cửa Việt thuộc thị trấn Gio Linh có lượng người tìm đến mua đất khá đông. Giá đất quanh khu vực ven biển, nằm ở mặt tiền đường hiện khoảng 200 triệu đồng trên mỗi mét ngang. Còn đất nằm ở phía đường hẻm bên trong, giá khoảng 60 - 70 triệu đồng trên mỗi mét ngang.

Theo một nhà đầu tư ở đây, khi thị trấn Cửa Việt được nâng cấp lên thành thị xã Cửa Việt, giá đất có thể bị đẩy lên nữa. “Không hiểu sao một vùng đất xa xôi như Quảng Trị mà gần đây khách hàng ở các tỉnh phía Bắc vào mua đất rất đông. Ở thị trấn Hải Lăng (Quảng Trị), ra tết vừa qua, một mảnh đất 6x20m có giá 1,2 tỷ đồng, nay đã lên đến 1,8 tỷ đồng nhưng vẫn chưa chịu bán. Trong khi xét về nhu cầu thật thì thực sự không cao, nghĩa là giá đang rất ảo”, nhà đầu tư nói trên chia sẻ.

Nóng bỏng nhất thời gian qua vẫn là khu vực Hơn Quản ở Bình Phước, khi sân bay Téc Ních vẫn chưa được quy hoạch thì cò đất khắp nơi đã đổ về đây thổi giá. Mặc dù sau đó việc sốt ảo đã được dập tắt, nhưng những nhà đầu tư bị “mắc cạn” chưa biết bao giờ mới "ngoi" lên được.

Ông Chương, một người dân ở miền Trung vào Bình phước lập nghiệp từ năm 1997 cho biết, không biết từ đâu, chỉ sau một đêm dân khắp nơi đổ về khu vực Hơn Quản như đi xem hội, toàn cỡi xe hơi sang chảnh. Ra Tết, vùng đất này trở nên sôi động khác thường, nhưng nay không còn nữa. Nhiều người ở Sài Gòn và khắp nơi lên đây mua đất, giờ chỉ biết “ôm bom”.

"Găm" lại hay cắt lỗ?

Một thực tế hiện nay là, sau đợt sốt vừa qua, dù thị trường hiện nay đang ngưng trệ song theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, giá đất vẫn có xu hướng đi ngang, do người mua tiếp tục neo giá, chưa chịu cắt lỗ, một số nhà đầu tư mua bằng vốn nhàn rỗi thì quyết định “găm” lại, không bán.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), sau những nỗ lực của các địa phương cùng các cấp các ngành đến nay, “sốt đất" đã được kiềm chế. Nhưng, để đánh giá mực độ điều chỉnh giá khoảng bao nhiêu phần trăm so với thời điểm đỉnh của “cơn sốt” thì vẫn chưa thể, vì giao dịch gần đây đang đứng lại đối với những nơi từng tăng cục bộ.

Những lô đất có giá từ 60-70 triệu đồng trên mỗi mét ngang đang được nhiều khách ở xa đến "săn". Ảnh: Ngô Bảo Tín

Những lô đất có giá từ 60-70 triệu đồng trên mỗi mét ngang đang được nhiều khách ở xa đến "săn". Ảnh: Ngô Bảo Tín

Bộ Xây dựng cũng đã lên tiếng xác nhận, giá đất tại nhiều địa phương sốt cao, tăng nóng thời gian qua đều đã lắng xuống, và tình hình cơ bản được kiểm soát. Theo đó, giá đất tại Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất... (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Từ Sơn (Bắc Ninh), Gia Viễn (Ninh Bình) đã hạ nhiệt.

Tương tự, tại miền Nam, Bộ Xây dựng đánh giá tình hình "sốt đất" ảo tại thành phố Thủ Đức (TP.HCM), thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi (Bình Thuận), Hớn Quản (Bình Phước), Gio Linh (Quảng Trị)... cũng được kiểm soát sau khi các cơ quan nhà nước siết lại quản lý, thông báo công khai các thông tin thị trường và đưa ra các cảnh báo.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam cho rằng, từ giai đoạn năm 2014 - 2019, cứ mỗi dịp trước và sau Tết Nguyên đán thường có những "cơn sốt" đất diện rộng hoặc cục bộ ở vài nơi. Đầu năm 2021 cũng có một vài "cơn sốt" đất ảo ở một vài địa phương nhưng cũng nhanh chóng nguội, xẹp trở lại.

Hiện nay, giá bất động sản đang tăng nhanh, hơn giá trị thực rất nhiều là hệ quả của hàng loạt các vấn đề liên quan, như: pháp luật, cơ chế chính sách, thuế, quy hoạch, định hướng phát triển và cả tâm lý đầu tư của xã hội...

Để ngăn chặn "sốt đất" ảo tái bùng phát thời gian tới, theo ông Nguyễn Hoàng, việc Bộ Xây dựng khuyến cáo các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục công bố công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, tiến độ các dự án là hợp lý. Đặc biệt các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư và chưa hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng.

"Thông thường, giá bất động sản tăng từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguồn cung mới hạn chế là yếu tố cơ bản tác động cho sự tăng giá bất động sản. Cho nên, mặc dù quỹ đất được bổ sung thêm, nhưng các vấn đề liên quan như quy hoạch, quy trình thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách… phải có sự thay đổi và cải thiện kịp thời. Nếu không tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể thực hiện các dự án nhanh hơn, giải quyết được vấn đề thiếu nguồn cung nhà ở hiện nay, thì nguy cơ giá thành bất động sản đưa ra thị trường vẫn không phù hợp", một chuyên gia chia sẻ.

Chuyên đề