Cư dân "chịu trận"
Trên thực tế, nhiều dự án chung cư tại Hà Nội, cư dân đã về ở nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng). Nguyên nhân phần lớn là do những vi phạm của chủ đầu tư chưa được khắc phục.
Điển hình như trường hợp tại chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty cổ phần Xây dựng và kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) làm chủ đầu tư. Hơn 500 hộ dân tại chung cư này đang bị tạm dừng tiếp nhận hồ sơ dù đã về ở từ năm 2017 và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư.
Cư dân chung cư New Horizon City nhiều lần căng băng rôn đòi chủ đầu tư trả sổ hồng |
Theo đại diện ban quản trị chung cư New Horizon City, nguyên nhân các căn hộ tại đây không được cấp sổ hồng được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết là do Sở này chưa nhận được hồ sơ, tài liệu của cơ quan chức năng thể hiện chủ đầu tư đã thực hiện khắc phục các vi phạm trong quá trình xây dựng và nghĩa vụ tài chính tại dự án. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội không có cơ sở để xem xét giải quyết thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà theo quy định.
Theo đại diện cư dân chung cư tại số 129D Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, họ đã mua nhà của 2 Công ty cổ phần Đồng Tháp và Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội 22 (Handico 22) là đồng chủ đầu tư và được bàn giao nhà để cư dân về ở từ năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, việc cấp sổ hồng cho các hộ dân chưa được thực hiện. Nguyên nhân là do dự án chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng và chủ đầu tư chưa thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Tương tự, chung cư Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư đã bắt đầu bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2014. Dự án được thiết kế với 2 tòa tháp cao 27 tầng. Tuy nhiên, sau nhiều năm về ở, cư dân tại đây hiện vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao sổ hồng, khiến cư dân bức xúc nhiều lần xuống đường căng băng rôn đòi quyền lợi.
Hàng trăm căn hộ tại chung cư Hòa Bình Green City chưa được làm sổ hồng |
Đại diện Ban quản trị tòa nhà cho biết, hiện toàn bộ cư dân đã hoàn thành hết nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, đóng hết 99% giá trị căn hộ và nghĩa vụ với Nhà nước, nhưng sau 5 năm về sinh sống, chưa có một căn hộ nào trong số 768 căn hộ của tòa B chung cư Hòa Bình Green City được cấp sổ hồng.
Giải quyết bằng cách nào?
Nhiều chung cư không được cấp sổ hồng hoặc chậm được làm sổ hồng hầu như đều do chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay chủ đầu tư đem các căn hộ chung cư hoặc dự án đi thế chấp tài sản và chưa được giải chấp. Ngoài ra, cũng có lý do là chủ đầu tư chậm hoàn công hoặc không thể hoàn công bởi vì xây dựng không đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt…
Việc nhiều chung cư không được cấp sổ hồng đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cư dân. Theo ý kiến của giới chuyên gia, khách hàng mua nhà là bên vô can, lẽ ra phải được cấp sổ hồng trước, còn nghĩa vụ tài chính phát sinh là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước. Vì vậy các cơ quan chức năng nên cần tách bạch hai vấn đề này, sớm giải quyết cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà.
Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, trong quá trình xử lý cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải tách bạch các đối tượng gồm người mua nhà, chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước có liên quan mà không để mối quan hệ "tay ba".
Cụ thể, nếu người mua nhà có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật nhà ở thì phải được xem xét cấp giấy chứng nhận để bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng.
Cơ quan Nhà nước phải làm rõ các hành vi vi phạm của chủ đầu tư và trách nhiệm của ban ngành có liên quan trong quá trình chủ đầu tư thực hiện từ thời điểm đề xuất dự án đến khi bán nhà cho khách hàng; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng phải có giải pháp đề xuất cụ thể nhằm giải quyết triệt để các vi phạm.
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục các vi phạm làm ảnh hưởng đến công trình đã xây dựng để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận cho người mua. Trường hợp không đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận cho người mua thì phải hoàn trả và bồi thường cho người mua.
Cư dân không được cấp sổ hồng vì các vi phạm của chủ đầu tư |
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho biết, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản hay Luật Nhà ở hiện hành, chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ, trừ trường hợp chủ đầu tư và người mua căn hộ có thỏa thuận khác.
"Việc cư dân mua căn hộ chung cư và chuyển vào ở nhiều năm mà vẫn chưa được bàn giao sổ hồng thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư. Mức vi phạm về hành vi này có thể lên tới 1 tỷ đồng", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vì vậy, để tránh mua phải các dự án vi phạm, luật sư khuyến cáo người mua nhà chung cư nên tìm hiểu, tham vấn pháp luật trước để tránh thiệt hại về diện tích nhà ở, giá trị công trình và rủi ro pháp lý khác, cũng cần phải xem xét kỹ các điều khoản trong Hợp đồng mua bán nhà ở về việc bàn giao sổ hồng.
Đặc biệt, vị luật sư nhấn mạnh, nếu chủ đầu tư đang có hành động chây ì, chậm làm sổ hồng chung cư gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, người mua nhà có thể yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện thủ tục hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm nói trên.
Bên cạnh việc đồng tình các quan điểm trên, để chấm dứt tình trạng mua nhà không sổ hồng, luật sư Trần Ðức Phượng (Đoàn luật sư TPHCM) đề xuất, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý hình sự với những chủ đầu tư vì tội lừa dối khách hàng, lạm dụng chiếm đoạt tài sản khi bán nhà cho khách hàng, hứa hẹn cấp sổ hồng nhưng lại không thực hiện.
Phạt chủ đầu tư chậm làm sổ hồng tới 1 tỷ đồng
Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP mới đây của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua sẽ bị phạt tùy vào mức độ vi phạm.
Trong đó, mức thấp nhất là từ 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ mức 10 triệu đến 100 triệu đồng; mức vi phạm 6-9 tháng sẽ bị phạt tối đa 300 triệu đồng; 9-12 tháng mức phạt tối đa là 500 triệu đồng; từ 12 tháng trở lên mức phạt tối đa là 1 tỷ đồng.