Hạn chế nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại: DN cần cải thiện chính mình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh cầu thế giới suy giảm, xuất khẩu (XK) hàng hóa đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có thách thức từ các cuộc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM). Chia sẻ với Báo Đấu thầu về biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp (DN) trước các vụ kiện PVTM, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương đưa ra nhiều khuyến nghị đối với DN XK.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại khi doanh nghiệp tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Tiên Giang
Hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại khi doanh nghiệp tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Tiên Giang

Từ đầu năm đến nay, nhiều hàng hóa của Việt Nam bị nước ngoài điều tra PVTM. Căn nguyên dẫn tới hiện tượng này là gì, thưa ông?

Tính đến hết tháng 1/2023, hàng XK của Việt Nam phải đối mặt với 228 vụ việc điều tra PVTM từ 24 thị trường, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước tiên, cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, XK nhiều mặt hàng trên đà tăng trưởng mạnh. Điều này gây áp lực cho DN tại thị trường nhập khẩu, buộc chính phủ nước sở tại phải sử dụng công cụ chính sách để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước, trong đó có các biện pháp PVTM - công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép.

Ông Chu Thắng Trung

Ông Chu Thắng Trung

Những năm qua, tác động của đại dịch Covid-19 cộng với tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động đến các nền kinh tế, khiến nhiều ngành sản xuất phải thu hẹp hoạt động, cắt giảm nhân lực trong khi thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp. Thách thức này buộc các quốc gia phải tăng cường sử dụng biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như: Trung Quốc, Ấn Độ... Đây là các quốc gia có kim ngạch XK lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM.

Các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam từ năm 2022 đến nay tập trung vào chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia... Trong đó, các vụ việc chống lẩn tránh thuế PVTM chiếm đa số.

Có thể nói, việc hàng XK của Việt Nam đối mặt với nhiều cuộc điều tra PVTM là một hệ quả tất yếu khi DN tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.

Việc bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM ảnh hưởng như thế nào đối với DN Việt Nam?

Đối với DN Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ có những tác động tiêu cực. Nếu hàng hóa XK bị áp thuế PVTM ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường XK. Để tránh bị áp thuế, DN phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của cơ quan điều tra nước ngoài. Điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã có giải pháp gì để bảo vệ DN?

Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ DN XK xử lý các vụ việc PVTM thông qua các hoạt động đa dạng.

Điển hình là cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM để DN chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Trao đổi kịp thời với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin cập nhật giúp DN nắm được diễn biến vụ việc. Tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho DN…

Bên cạnh đó, xem xét khiếu nại các biện pháp PVTM của cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm quy định của WTO.

Kết quả đạt được ra sao, thưa ông?

Hoạt động hỗ trợ DN của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực. Tại nhiều vụ việc, Việt Nam thành công trong việc chứng minh DN không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN XK. Nhờ đó, DN XK không bị áp thuế PVTM, hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường XK.

Một số kết quả đạt được trong năm 2022 có thể kể đến như việc Hoa Kỳ sơ bộ kết luận Việt Nam không lẩn tránh thuế với thép dây không gỉ; Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam; Australia chấm dứt thuế chống bán phá giá với nhôm định hình…

Để hạn chế thấp nhất việc bị điều tra, khởi kiện PVTM, theo ông, DN XK Việt Nam cần làm gì?

Trước tiên, DN XK cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM của các nước XK, đặc biệt là các thị trường mục tiêu; thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương (Cục PVTM) để đề ra chiến lược XK phù hợp cho từng giai đoạn, đồng thời thiết lập kênh thông tin với các đối tác, hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, tránh tăng trưởng XK quá nóng tại một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM hoặc đã từng kiện chống bán phá giá hàng hoá XK của Việt Nam.

Bên cạnh đó, DN cần tuân thủ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp…

Trường hợp bị điều tra, khởi kiện, DN nên hợp tác đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài. Đồng thời, DN phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM trong quá trình ứng phó vụ việc để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Chuyên đề