Hài hòa lợi ích trong quy định về thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thu hồi đất luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột do được thực hiện bằng các mệnh lệnh hành chính nhằm thu hồi quyền sử dụng đất của chủ thể này giao cho một chủ thể khác. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, trong chính sách đất đai, thu hồi đất là chế định cần được đặt ra yêu cầu cao để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và công bằng xã hội.
Thu hồi đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những điểm mới tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Lê Tiên
Thu hồi đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những điểm mới tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Lê Tiên

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai 2013, trong đó bổ sung một số trường hợp thu hồi đất (theo các điều: 66, 67, 68, 69, 70 của Dự thảo Luật).

Cụ thể, tại Điều 66 - Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, bổ sung 2 trường hợp thu hồi đất gồm: xây dựng cơ sở khám chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân.

Tại Điều 67 - Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bổ sung trường hợp “dự án sử dụng đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”; dự án lấn biển; dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách từ dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất… Dự thảo sửa đổi và quy định chi tiết hơn các trường hợp thu hồi đất đã được quy định tại Luật Đất đai 2013 như: dự án chỉnh trang khu đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn.

Điều 69 Dự thảo Luật bổ sung trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao, cho thuê không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, công khai tại thời điểm giao đất, cho thuê đất.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã bỏ điểm i Khoản 1 Điều 64 (các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai) của Luật Đất đai 2013 và thay thế theo hướng, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đưa đất vào sử dụng theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư, đã bị xử phạt nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà vẫn không đưa đất vào sử dụng và không nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm.

Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý về đầu tư, bất động sản cho rằng, Điều 67 quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng vẫn sử dụng kỹ thuật liệt kê các loại hình dự án; phân loại dự án theo cấp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư; nguồn vốn sử dụng... giống như Luật Đất đai năm 2013 mà không làm rõ bản chất, nội hàm của thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; nội hàm của lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Theo ông Đỉnh, việc xây dựng các trường hợp thu hồi đất theo kỹ thuật liệt kê, “gọi tên” dự án có một số hạn chế như: thực tiễn sinh động của cuộc sống luôn xuất hiện các loại hình dự án mới cần phải thu hồi đất dẫn đến sẽ phải sửa luật để bổ sung các loại dự án mới; khi thi hành luật phải “sửa chân cho vừa giày”; phải “nắn chỉnh” dự án để phù hợp với một trong các loại hình dự án được luật liệt kê mới đủ điều kiện thu hồi đất.

Do vậy, chuyên gia này cho rằng, cần phải “chuẩn hóa” các trường hợp thu hồi đất bằng các bộ tiêu chí thu hồi đất. Theo đó, Điều 67 Dự thảo Luật cần bổ sung một khoản giao Chính phủ quy định chi tiết để Chính phủ có thể ban hành nghị định giải thích, quy định chi tiết khái niệm, tiêu chí các loại hình dự án thu hồi đất được liệt kê.

Thu hồi đất vùng phụ cận các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những điểm mới nổi bật của Dự thảo Luật và thực tế chính sách này đã được một số quốc gia áp dụng thành công. Tuy nhiên, ông Đỉnh nhấn mạnh, việc giải thích từ ngữ tại Điều 3 Dự thảo Luật: “Vùng phụ cận các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn là vùng đất tiếp giáp với các công trình, dự án đó theo quy hoạch” là chưa đủ rõ ràng, dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện, thu hồi đất tràn lan, xâm phạm quyền của người sử dụng đất.

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi xây dựng quy định về các trường hợp thu hồi đất cần phải “luật hóa” Nghị quyết 18-NQ/TW. Ông Võ cho rằng, một trong những đổi mới mạnh mẽ của Nghị quyết 18-NQ/TW là đưa ra nguyên tắc, cơ chế thu hồi đất đảm bảo công khai, minh bạch, chia sẻ và hài hòa quyền, lợi ích của 3 bên là Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Do đó, để triển khai tốt chủ trương này, các quy định pháp lý về đất đai cần có thêm các giải pháp khác sao cho đạt được đồng thuận của những người đang sử dụng đất với chủ đầu tư dự án thông qua các giao dịch chủ đầu tư dự án thuê đất, người sử dụng đất góp quyền sử dụng đất với dự án đầu tư…, chứ không chỉ là cơ chế chuyển nhượng.

Ngoài ra, ông Võ cho rằng, nên tăng cường lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất thông qua khung pháp lý về đấu thầu. Cách làm này giúp lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tốt, đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế, đồng thời đảm bảo được các yếu tố về xã hội, môi trường.

Chuyên đề