Ảnh Internet |
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, các mức giá đất trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng 5 năm qua hiện đã tồn tại bất cập. Trong đó, các mức giá tối đa tại một số vị trí, đường, phố, khu vực vượt khung giá đất của Chính phủ 5 năm qua không được điều chỉnh. Giá đất quy định tại Bảng giá vẫn thấp hơn giá đất giao dịch thực tế trên thị trường.
Trong khi đó, Bảng giá đất giai đoạn 2014 - 2019 cũng tồn tại một số vấn đề như: nguyên tắc tính giá đất đối với các thửa đất tiếp giáp từ 3 tuyến đường, phố trở lên, có đặt tên chưa được quy định; một số tuyến đường đã có tên trong Bảng giá đất nhưng điểm đầu và điểm cuối chưa thể hiện được đầy đủ chiều dài của tuyến đường, gây khó khăn khăn khi xác định giá đất; một số tuyến đường mới được đặt tên theo Nghị quyết của HĐND nhưng chưa được bổ sung trong Bảng giá. Việc phân loại các loại đất chưa đầy đủ trong Bảng giá đất đã gây khó khăn trong việc xác định giá đất.
Từ những phân tích dựa trên tình hình thực tế, để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, UBND Thành phố đã xem xét và thống nhất mức tăng Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường với mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 - 2019.
Tại Bảng giá đất mới, đất nông nghiệp vẫn được giữ nguyên mức giá như quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND, ngày 29/12/2014, của UBND Thành phố.
Theo Tờ trình của UBND TP. Hà Nội, mặc dù giá đất khảo sát thị trường tăng cao so với mặt bằng chung trong bảng giá nhưng Bảng giá mới được xây dựng, điều chỉnh phải đảm bảo: Đúng quy định của pháp luật về khung giá đất, nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất do Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính quy định theo Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời, từng bước bảo đảm sự cân đối về giá đất đối với các khu vực giáp ranh giữa nội thành với huyện ngoại thành, góp phần bình ổn về giá nói chung, đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường, đảm bảo sự cân đối về giá giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn Thành phố.
Trình bày báo cáo thẩm tra của HĐND Thành phố, Trưởng ban Kinh tế ngân sách Hồ Vân Nga cho biết, theo bảng giá đất mới, giá đất ở tại đô thị thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm có giá cao nhất là gần 188 triệu đồng/m2, nằm trong khung giá tối đa của Chính phủ quy định; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông là hơn 4,5 triệu đồng/m2.
Theo số liệu báo cáo của Cục Thuế Thành phố, tiền thuế thu được từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2019 khoảng 369,8 tỷ đồng với mức tăng khoảng 15% tương ứng khoảng 57,70 tỷ đồng phân bổ trên 1,3 triệu hộ dân Thủ đô phải nộp thuế, mỗi năm 1 hộ dân đóng thêm 44.385 đồng. Đồng thời, theo chu kỳ ổn định của khoản thuế này, đến ngày 1/1/2022, mới phải thực hiện điều chỉnh theo Bảng giá mới.
Do đó, UBND Thành phố cho rằng tác động của việc tăng giá đất ở tại bảng giá là có nhưng sẽ không tác động nhiều.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất. Theo đó, mức giá tối đa đối với đất ở Hà Nội và TP. HCM là 162 triệu đồng/m2. Khung giá đất trên được sử dụng làm căn cứ để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.