Hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%: “Áo giáp” chắn áp lực tỷ giá

BĐT-Gần như cùng lúc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,25%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD cá nhân về 0%. Động thái này được đánh giá là kịp thời, linh hoạt và kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể áp lực tỷ giá.

Vẫn đảm bảo cung - cầu ngoại tệ

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, quyết định tăng lãi suất của FED sẽ tác động lớn đến các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Lãi suất USD tại các tổ chức tín dụng trên thế giới sẽ gia tăng, kéo theo lãi suất mua xe, mua nhà, cho vay, tiết kiệm, các khoản nợ công tăng theo và đặc biệt sức ép sẽ đè nặng lên tỷ giá hối đoái.

Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh doanh BDI, biến động trên thị trường ngoại hối không xuất phát từ căng thẳng cung - cầu ngoại tệ, bởi hiện nay với cán cân thương mại đang xuất siêu, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, kiều hối chuyển về nước vẫn lớn…, như vậy, nguồn cung ngoại tệ không thiếu hụt so với cầu. “Kể từ đầu tuần đến nay, tỷ giá tăng kịch trần, giá bán có lúc bằng giá mua; không loại trừ có yếu tố đầu cơ dựa vào tâm lý FED tăng lãi suất”, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Mức tăng lãi suất 0,25% của FED đã được phản ánh vào tỷ giá ngay từ đầu năm 2015, kể cả chính sách tiền tệ. Những biến động nhất thời về tỷ giá này hoàn toàn không do tác động của thiếu hụt nguồn cung USD. Đây chủ yếu là do tác động của yếu tố tâm lý.Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Diễn biến thị trường những ngày gần đây cho thấy, tỷ giá USD/VND có biểu hiện căng thẳng. Giá USD bán ra của các ngân hàng duy trì trạng thái kịch trần biên độ, giá mua vào áp sát giá bán; tỷ giá trên thị trường tự do liên tục ở mức cao. Tuy nhiên, theo lý giải của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN thì xuất hiện tình trạng này chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước sự kiện FED họp để quyết định việc tăng lãi suất đồng USD lên 0,25% và diễn biến giảm giá của đồng Nhân dân tệ những ngày vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Hồng cũng đưa ra những thông tin lạc quan về cung - cầu ngoại tệ. “Đối với cung - cầu ngoại tệ, hiện đang có những diễn biến tích cực. Chúng ta có xuất siêu khoảng 500 triệu USD trong tháng 10 và tiếp tục xuất siêu khoảng 260 triệu USD trong tháng 11. Số liệu về giải ngân vốn FDI tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng kiều hối tiếp tục đổ vào Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Áp lực lên nợ công 

Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đến thời điểm này, tình hình vẫn được kiểm soát và không có gì đáng ngại. “Mức tăng lãi suất 0,25% của FED đã được phản ánh vào tỷ giá ngay từ đầu năm 2015, kể cả chính sách tiền tệ. Những biến động nhất thời về tỷ giá này hoàn toàn không do tác động của thiếu hụt nguồn cung USD. Đây chủ yếu là do tác động của yếu tố tâm lý. Các ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp. NHNN đang theo dõi sát tình hình, sẵn sàng dùng các công cụ tiền tệ can thiệp giữ ổn định thị trường”, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Theo các chuyên gia, quyết định giảm lãi suất USD về 0%/năm nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ. Với động thái này, trước mắt NHNN sẽ tạo được “áo giáp” chắn áp lực tỷ giá tại thời điểm trước mắt, giúp ổn định thị trường ngoại tệ trong nước. 

Tuy nhiên, một tác động lớn được nhiều chuyên gia lưu ý sau quyết định tăng lãi suất của FED đó là áp lực lớn hơn lên các khoản vay nợ, bảo lãnh nước ngoài của Chính phủ bằng USD. Theo TS. Cấn Văn Lực, nợ công sẽ tăng lên do cấu trúc nợ của chúng ta liên quan nhiều đến USD. Ngoài ra, lãi suất vay nợ nước ngoài cũng sẽ tăng theo, vì thế nợ của doanh nghiệp vay bằng USD trong và ngoài nước sẽ bị đẩy lên, làm chi phí vốn vay của doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn.

Có chung quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, quyết định của FED có ảnh hưởng đến gánh nặng nợ công, bởi tiền vay và trả đều tính bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, khi NHNN điều hành chính sách tỷ giá theo hướng ổn định, phá giá tiền đồng ở mức vừa phải thì nợ công vẫn kiểm soát được.

Chuyên đề