Gỡ vướng chính sách thuế trong xử lý nợ xấu

(BĐT) - Một số vướng mắc liên quan đến chính sách thuế trong xử lý nợ xấu vừa được phản ánh tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan năm 2017 tổ chức ngày 27/11. Trong bối cảnh xử lý nợ xấu là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, việc tháo gỡ các khó khăn liên quan là hết sức cần thiết.
Phía ngân hàng cho rằng cần làm rõ hơn các quy định về chính sách thuế trong xử lý nợ xấu nêu tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Phía ngân hàng cho rằng cần làm rõ hơn các quy định về chính sách thuế trong xử lý nợ xấu nêu tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi

Vướng mắc

Bà Lưu Tuyết Mai, Phó Giám đốc Ban Tài chính thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được gửi đi xin ý kiến các đơn vị có nội dung: ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD) trích lập dự phòng theo quy định chỉ được tính một tỷ lệ nhất định vào chi phí hợp lệ khi xác định thuế TNDN.

BIDV nhận thấy quy định này chưa thỏa đáng bởi nhiều nguyên nhân. Một là, việc trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) là theo quy định của Nhà nước và đảm bảo doanh nghiệp có nguồn tài chính phù hợp để xử lý trong trường hợp phát sinh rủi ro. Do đó, việc chỉ được tính một phần chi phí trích lập DPRR (theo tỷ lệ quy định tại Dự thảo) vào chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN là chưa phù hợp.

Hai là, nguồn trích lập DPRR của ngân hàng được hiểu sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế của ngân hàng. Điều này dẫn tới thiếu chủ động cho các ngân hàng do việc trích lập DPRR phải thực hiện định kỳ trong năm, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ được xác định sau khi kết thúc năm tài chính. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ theo quy định cũng sẽ phải chia cổ tức cho các cổ đông – chuyển trả về Nhà nước theo quy định. Theo đó, sẽ không tạo được sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc phân bổ nguồn lực và đảm bảo nguồn tài chính phù hợp phục vụ xử lý rủi ro tại ngân hàng, ảnh hưởng đến công tác xử lý nợ xấu theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Thêm vào đó, số trích DPRR của ngân hàng thường là số lớn (hàng nghìn tỷ đồng) nên nếu lấy từ lợi nhuận sau thuế sẽ ảnh hưởng đến cổ tức của các cổ đông (trong đó có cổ đông Nhà nước). Trong điều kiện các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối có lợi nhuận lớn – các huyết mạch của nền kinh tế, hàng năm đóng góp nhiều nghìn tỷ đồng lợi nhuận, thì việc trích DPRR từ lợi nhuận sau thuế sẽ có tác động đến nền kinh tế nói chung.

Vì những lý lẽ trên, BIDV đề xuất bỏ nội dung này khỏi Dự thảo Luật sửa đổi về thuế TNDN.

Một câu chuyện khác cũng được BIDV đề cập liên quan đến vướng mắc về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động bán tài sản bảo đảm tiền vay trong trường hợp ngân hàng nhận sang tên/chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khách hàng nhưng không hạch toán tăng tài sản nội ngành mà chờ xử lý thu hồi nợ. BIDV đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét, hướng dẫn rõ: Trong trường hợp ngân hàng chưa mua lại, chưa hạch toán tăng tài sản nội ngành đối với tài sản gán nợ (trong thời hạn 3 năm theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng) thì khi bán tài sản gán nợ không phải chịu thuế GTGT.

Vẫn chờ hướng dẫn rõ ràng hơn

BIDV cho rằng, việc chỉ được tính một phần chi phí trích lập dự phòng rủi ro (theo tỷ lệ quy định tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập doanh nghiệp) vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa phù hợp.
Giải đáp kiến nghị của BIDV, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, liên quan đến trích lập DPRR, hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thuế TNDN để đưa ra quy định phù hợp.

Trả lời về vướng mắc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản (BĐS), ông Tuấn cho rằng, các tài sản bảo đảm là BĐS sau khi có quyết định của tòa án sang tên cho ngân hàng thì tài sản này đã là tài sản thuộc sở hữu của ngân hàng. Khi nhận tài sản, ngân hàng phải thực hiện hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Căn cứ vào Điểm 3, Điều 1, Thông tư 26, nếu BIDV nhận tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng phải hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Khi ngân hàng bán tài bảo đảm phục vụ sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế GTGT thì ngân hàng phải kê khai nộp thuế GTGT theo quy định.

Trao đổi thêm với Báo Đấu thầu, bà Mai cho biết, câu trả lời của phía cơ quan thuế chưa rõ. Vì thế, BIDV dự tính sẽ gửi văn bản để nhận được câu trả lời rõ hơn đối với vấn đề này.

Chuyên đề