Gỡ dần nút thắt tín dụng, bất động sản kỳ vọng gì vào những tháng tới?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, tại khu vực phía Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Hậu Giang…, nhiều chủ đầu tư đã khởi động cùng lúc các dự án bất động sản. Động thái này cho thấy, sau một thời gian "án binh bất động" để thăm dò thị trường, nay các chủ đầu tư đã tự tin nhập cuộc trở lại.
Sau một thời gian "án binh bất động" để thăm dò thị trường, nay các chủ đầu tư đã tự tin nhập cuộc trở lại. Ảnh minh họa: Bảo Tín
Sau một thời gian "án binh bất động" để thăm dò thị trường, nay các chủ đầu tư đã tự tin nhập cuộc trở lại. Ảnh minh họa: Bảo Tín

Quay trở lại thị trường

Ngày 6/7 vừa qua, Công ty CP Vinhomes đã chính thức ra mắt Dự án Glory Heights nằm trong đại đô thị Vinhomes Grand Park, ở TP. Thủ Đức, TP.HCM. Sau 34 giờ mở bán, 2.000 căn hộ đã được khách hàng đặt cọc. Trước đó, qua 53 sự kiện tư vấn sản phẩm được tổ chức trong 2 tuần, khách hàng tham dự luôn chật kín.

Không những được xây dựng bởi hai nhà phát triển bất động lớn là Vinhomes và Mitsubishi Corporation, điểm cuốn hút của dự án này còn nằm ở chỗ có chính sách bán hàng đột phá, chỉ cần thanh toán từ 1%/tháng. Với các khách hàng vay vốn, ngân hàng đồng thời hỗ trợ vay 70% giá trị căn hộ với ưu đãi lãi suất trong hơn 7 năm.

Mấy tháng nay, Cát Tường Group đã mở bán thành công rất nhiều sản phẩm tại các dự án: Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1 và 2 ở TP. Vị Thanh (Hậu Giang); Taka Garden Riverside Homes tại TP. Tân An (Long An); Cát Tường Phú Hưng tại TP. Đồng Xoài và Cát Tường Park House tại Chơn Thành (Bình Phước).

Theo ông Lê Tiến Vũ, Tổng giám đốc Cát Tường Land, có hơn 600 sản phẩm đất nền, nhà phố tại các dự án trên đã có khách hàng ký hợp đồng mua bán. Tuy tỷ lệ giao dịch thành công chỉ bằng 25% thời kỳ đỉnh điểm 2017 - 2018, nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thị trường chậm thanh khoản trong suốt thời gian qua.

Bên cạnh các khu vực kể trên, gần đây nhiều chủ đầu tư cũng đang bắt đầu khởi động trở lại các dự án ở vùng phụ cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy không kỳ vọng sẽ làm "tan băng" thị trường, nhưng theo các chuyên gia bất động sản, ở các khu vực có sự tham gia của những chủ đầu tư với dự án quy mô lớn sẽ kích hoạt thị trường ở khu vực đó ấm dần trở lại.

Trong số này có thể kể đến Dự án Aqua City (Biên Hoà) của Novaland, Fiato City của Thang Long Real Group (Nhơn Trạch), Vung Tau Centre Point do SG Holdings phát triển, The Maris Vũng Tàu do Công ty TNHH Allgreen Vượng Thành - Trùng Dương làm chủ đầu tư. Đặc biệt, Kim Oanh Group trong năm 2023 cam kết giới thiệu ra thị trường 4.800 sản phẩm nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng tại Bình Dương và Đồng Nai.

Cú hích nới room tín dụng

Theo một chuyên gia tại Công ty CP Chứng khoán SSI, việc Chính phủ yêu cầu có giải pháp đối với trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và chứng khoán cho thấy sự quan tâm và mong muốn tháo gỡ nút thắt tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp để phục hồi kinh tế là rất lớn. Mọi thứ đang trong bối cảnh "khó xấu hơn" và điều này là tin tốt đã giúp thị trường chứng khoán phản ứng tích cực và sau đó là thị trường bất động sản.

Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2023 lên mức 14% cho toàn hệ thống ít nhiều đã có những tác động tích cực đối với thị trường địa ốc. Bởi lẽ, mọi năm sẽ là 3 lần thực hiện: đầu năm, giữa năm điều chỉnh một chút và cuối năm căn cứ vào thực tế thì NHNN mới giao phần còn lại hoặc nới thêm room. Tuy nhiên, ngay giữa năm nay, room tín dụng đã được giao toàn bộ, điều này cho thấy đang có một “sức ép lớn” để đẩy tín dụng ra.

Những cố gắng để vực dậy thị trường bất động sản lúc này một phần là do các chủ đầu tư, phần lớn còn lại vẫn phụ thuộc vào chính sách và việc “bơm tiền” cho vay của các ngân hàng thương mại. Ảnh minh họa: Bảo Tín

Những cố gắng để vực dậy thị trường bất động sản lúc này một phần là do các chủ đầu tư, phần lớn còn lại vẫn phụ thuộc vào chính sách và việc “bơm tiền” cho vay của các ngân hàng thương mại. Ảnh minh họa: Bảo Tín

Trở lại với câu hỏi: "Việc gỡ dần nút thắt tín dụng, bất động sản kỳ vọng gì vào những tháng tới?", nhiều chủ đầu tư cho rằng, trước bối cảnh lãi suất hạ dần như hiện nay, sang quý II và quý III lãi vay sẽ được giảm, dòng tiền gửi lãi suất cao năm ngoái sẽ được đáo hạn và chắc chắn sẽ có một phần tiền gửi đáo hạn chảy vào bất động sản. Mặt khác, áp lực chi phí lãi vay giảm sẽ giúp những doanh nghiệp đang có nợ vay cao hưởng lợi lớn, điều đó đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp sẽ đi từ "xấu" sang "hết xấu" và có thể chuyển thành "tốt lên".

Mong muốn của Chính phủ và NHNN là độ trễ chính sách tiền tệ ngắn hơn, thông thường là 2 - 3 tháng, nhưng kỳ vọng chỉ khoảng 1 - 2 tháng. Điều này được hiểu rằng, khi lãi suất chính sách do NHNN đưa ra được điều chỉnh giảm xuống thì nó phải ngay lập tức tác động đến lãi suất trên từng thị trường một. Song việc này rất khó và bao giờ cũng có độ trễ nhất định, đồng thời độ trễ này lại phụ thuộc vào khả năng của ngân hàng thương mại (NHTM) và nhu cầu của nền kinh tế. Trong đó, khả năng của NHTM thì liên quan đến chi phí vốn của họ, còn nhu cầu của nền kinh tế thì liên quan đến vốn và cả yếu tố thị trường.

"Ở mức lãi suất như hiện tại (đã thấp hơn trước đại dịch) được xem là hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự giải ngân cho vay của các NHTM với các doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Cho nên, những cố gắng để vực dậy thị trường bất động sản lúc này một phần là do các chủ đầu tư, phần lớn còn lại vẫn phụ thuộc vào chính sách và việc "bơm tiền" cho vay của các NHTM", chuyên gia tại Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định.

Chuyên đề