Giúp DN ứng phó với rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo thông tin cập nhật mới nhất của Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, tính đến ngày 8/11/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã đối diện với 238 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) tại 24 thị trường khác nhau. Trong bối cảnh hoạt động XK khó khăn như hiện nay, các chuyên gia thương mại khuyến nghị những giải pháp để giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ động ứng phó với xu thế gia tăng áp dụng các biện pháp PVTM.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Gia tăng số vụ điều tra phòng vệ thương mại

Ngày 25/10/2023, Cục PVTM nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, nguyên đơn cáo buộc sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh và tôm tươi nhập khẩu từ Việt Nam đang nhận được một loạt chương trình trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất tôm nội địa của Hoa Kỳ.

Trước đó 1 ngày, Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu từ Việt Nam do có cáo buộc một số DN Việt Nam bán phá giá những sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc liên quan đến PVTM mà DN Việt Nam đang phải đối mặt.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Cục PVTM cho biết, tính đến ngày 8/11, hàng hóa XK nước ta đối diện với 238 vụ việc điều tra PVTM tại hàng chục thị trường. Các mặt hàng bị điều tra PVTM ngày càng đa dạng như: tôm, nhôm, thép, gỗ, pin mặt trời, mật ong, máy cắt cỏ… Về mặt thị trường, trước đây, DN Việt Nam chỉ đối diện với các vụ kiện PVTM ở những thị trường XK trọng điểm nhưng nay có một số vụ việc ở những thị trường XK mới.

Cục PVTM cho biết, việc hàng XK của Việt Nam đối mặt với nhiều cuộc điều tra PVTM là một hệ quả tất yếu khi DN tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Cụ thể, khi Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, XK nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh, gây áp lực cho DN tại thị trường nhập khẩu. Để bảo vệ sản xuất trong nước, chính phủ nước sở tại phải sử dụng công cụ chính sách, trong đó có các biện pháp PVTM.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là một trong những thách thức mà hoạt động XK Việt Nam phải đối mặt. Thách thức này sẽ gia tăng khi nước ta ngày càng hội nhập mạnh mẽ.

Ông Phương nhấn mạnh, hàng hóa XK từ Việt Nam đi hàng trăm quốc gia. Khi đẩy mạnh XK, bên cạnh việc được hưởng lợi, DN cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó có việc các nước tăng cường sử dụng công cụ PVTM. “Việc DN Việt Nam gặp phải các biện pháp PVTM là khó tránh trong bối cảnh hiện nay”, ông Phương nói.

Chủ động ứng phó phòng vệ thương mại

Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường thực hiện các biện pháp ứng phó với các vụ kiện PVTM của các nước; đồng thời đưa ra các biện pháp PVTM bảo vệ hàng trong nước. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về PVTM (Cục PVTM thuộc Bộ Công Thương) đã được thành lập. Về phía DN, đến nay, ý thức của DN đã được nâng lên. Bản thân các DN cũng chuẩn bị các biện pháp để PVTM. Tuy vậy, Việt Nam vẫn ở thế bị động. DN vẫn đối diện với nhiều vụ kiện về PVTM ở nhiều ngành hàng, lĩnh vực.

Trong bối cảnh các DN đối diện với các vụ kiện PVTM liên tục gia tăng như hiện nay, ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh: “Việt Nam cần chủ động chống lại các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất, bảo vệ thị trường”.

Ông Phương cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về PVTM cần tăng cường phổ biến pháp luật về PVTM, tăng cường thông tin cảnh báo sớm về PVTM cũng như hướng dẫn, hỗ trợ DN ứng phó với các vụ kiện. “Cục PVTM cần phải tăng cường giúp DN chống lại các vụ kiện PVTM và đi kiện PVTM nếu quyền lợi của DN Việt bị vi phạm”, ông Phương nhấn mạnh.

Với DN, cùng với việc nâng cao nhận thức pháp luật về PVTM, bản thân DN cũng phải nâng cấp hoạt động quản trị kinh doanh để có những thông tin, số liệu rõ ràng làm chứng cứ nếu phải đối mặt với các vụ kiện. Bên cạnh đó là tăng cường vai trò của các hiệp hội, ngành hàng để hỗ trợ DN.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, bản chất của những vụ kiện về PVTM ở nước ngoài là những cuộc đấu tranh pháp lý. Theo đó, các DN phải nâng cao hiểu biết pháp luật về vấn đề này, đồng thời chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để phối hợp xử lý khi bị điều tra, khởi kiện…

Để hạn chế thấp nhất việc bị điều tra, khởi kiện PVTM, Cục PVTM khuyến nghị DN cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương để đề ra chiến lược XK phù hợp… Trường hợp bị điều tra thì hợp tác đầy đủ, toàn diện, phối hợp chặt với Cục để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Chuyên đề