Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án giảm tiền thuê đất năm 2024 là 15% hoặc 30%. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét ban hành quy định giảm tiền thuê đất, mặt nước…; kịp thời xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước… cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo tại 2 nghị quyết nêu trên, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về giảm tiền thuê đất năm 2024 với quy định mức giảm tiền thuê đất là 15% do tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2024 được cải thiện so với năm 2023 hoặc 30% trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 trên phạm vi cả nước.
Theo số liệu từ cơ quan soạn thảo, số tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm trung bình các năm 2020, 2021, 2022, 2023 theo các quyết định của Thủ tướng là 2.890 tỷ đồng/năm (riêng trung bình các năm 2021, 2022, 2023 là 3.734 tỷ/năm). Qua đó đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để có thể sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch (các năm 2020, 2021, 2022) và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh (năm 2023).
Với phương án giảm 15%, dự kiến số tiền thuê đất giảm là 2.000 tỷ đồng, bằng một nửa số tiền đã giảm năm 2023, tương ứng 0,13% tổng thu ngân sách nhà nước một năm và 4,5% số thu ngân sách nhà nước từ tiền thuê đất tính theo số liệu năm 2023. Với phương án giảm 30%, số tiền thuê đất giảm 4.000 tỷ đồng, bằng số đã giảm năm 2023, tương ứng 0,26% tổng số thu ngân sách nhà nước một năm và bằng 9% số thu ngân sách nhà nước từ tiền thuê đất một năm tính theo số liệu năm 2023.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đến hết ngày 31/7/2024 là 1.234.280 tỷ đồng, đạt 72,65% dự toán năm 2024 và tăng 19,09% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước là 24.681 tỷ đồng, đạt 91,63% dự toán. Với khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của năm 2024 nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị thì dự toán thu ngân sách năm 2024 sẽ đạt và vượt. Vì vậy, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nhà nước nói chung, nhưng sẽ có tác động lớn tới việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp; từ đó tăng thu ngân sách từ thuế để bù đắp cho số giảm thu do giảm tiền thuê đất.
Góp ý cho Dự thảo Nghị định, VCCI cho rằng, tình hình thu ngân sách năm 2024 rất khả quan. Đáng chú ý, chính sách giảm tiền thuê đất trong các năm từ 2020 đến 2023 đã mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh khi chịu tác động của Covid-19. Mức giảm tiền thuê đất của năm trước là 30% và được đánh giá là hợp lý.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 2, áp dụng mức giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho năm 2024. Bên cạnh đó, theo VCCI, thiệt hại do cơn bão Yagi vừa qua đối với 26 địa phương miền Bắc là hết sức nặng nề, nên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mức giảm tiền thuê đất cho 26 địa phương này cao hơn so với mức giảm chung của cả nước, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm và chuẩn bị phúc lợi cho người lao động cho dịp Tết sắp tới.
Trong khi đó, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đưa ra mức giảm tiền thuê đất hợp lý và có tính thuyết phục, cơ quan soạn thảo cần cung cấp rõ và cụ thể hơn số thu ngân sách từ tiền thuê đất dự kiến tăng trong năm nay cân đối theo mức tăng trưởng kinh tế ước tính.