Giảm lãi suất nhưng không hạ chuẩn tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, góp phần kéo giảm đáng kể mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn rất yếu so với năm ngoái. NHNN khẳng định, thanh khoản hệ thống dồi dào, các ngân hàng đủ nguồn lực và sẵn sàng cung ứng vốn, song không hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng để tránh gây rủi ro cho hệ thống.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, góp phần kéo giảm đáng kể mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, góp phần kéo giảm đáng kể mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2 điểm %. Đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

Đánh giá về các đợt giảm lãi suất này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc giảm lãi suất hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên ngân hàng; qua đó giúp các TCTD có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay.

Mặt khác, cách điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua cho thấy rõ việc thay đổi trạng thái từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng. Theo đó, doanh nghiệp (DN) và người dân kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm nên có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm nay và năm tới.

Ở khía cạnh khác, lãi suất giảm sẽ tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản. Bởi vì, nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của TTCK, hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn.

Dù lãi suất giảm như vậy, song số liệu từ NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn hẳn mức tăng trưởng tín dụng lần lượt 8,15% và 17,09% của cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra là điều kiện vay vẫn cao so với thực lực của các DN. Từ đó, có ý kiến đề xuất cắt giảm điều kiện vay vốn với một số nhóm DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa để dễ dàng tiếp cận vốn hơn.

Trong khi đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực này và NHNN khẳng định, nên cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN bằng việc rà soát để cắt giảm thủ tục không cần thiết, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi vay song không nên hạ chuẩn tín dụng.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương, một trong những nhiệm vụ quan trọng của NHNN là vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống tài chính. Do đó, việc tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng bằng cách giảm lãi suất là cần thiết, song không nên hạ thấp tiêu chuẩn vay bởi có thể gây rủi ro cho hệ thống tài chính.

Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2023 công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm tốc phản ánh các hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục suy yếu, thị trường bất động sản và chứng khoán cũng trong tình trạng tương tự. WB khuyến nghị, NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, song cần theo dõi chặt chẽ áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, hạn mức tín dụng được cấp từ đầu năm đến nay là 11% mà mới dùng hết 3,36%. Các ngân hàng rất muốn đẩy mạnh tín dụng bởi huy động vốn mà không cho vay được thì ngân hàng cũng vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động cho vay dựa trên cơ sở người vay giải trình minh bạch về mục đích vay và chứng minh được khả năng trả nợ, vì phải đảm bảo nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng. Việc hạ chuẩn tín dụng sẽ dẫn đến nợ xấu, từ đó có thể gây ra rủi ro và bất ổn cho cả hệ thống.

“Hiện tại, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng vẫn được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn của một số ngân hàng đã có biểu hiện tăng nhanh. Do đó, nếu tiếp tục đẩy vốn ngân hàng ra thị trường mà thiếu kiểm soát bằng các chuẩn tín dụng thì rủi ro sẽ càng cao”, ông Tú nói.

Khẳng định NHNN chủ trương tiếp tục tạo điều kiện tiếp cận vốn cho DN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, trong tuần này, NHNN sẽ làm việc với các NHTM về việc cắt giảm nguồn lợi nhuận và chi phí điều hành để giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN sẽ tổ chức đoàn công tác kiểm tra các NHTM về điều kiện, thủ tục giải ngân vốn, sẽ yêu cầu cắt bỏ các thủ tục gây phiền hà (nếu có).

Chuyên đề