Giải quyết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu: Thúc đẩy cạnh tranh và đồng bộ cơ chế quản lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó đề xuất nhiều phương án về phương thức điều hành giá; chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy cạnh tranh, đồng bộ cơ chế quản lý thị trường, thay vì chỉ dừng lại ở những giải pháp trước mắt.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Bất cập phương thức điều hành giá xăng dầu

Trong thời gian qua, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước và gây tác động lớn đến xã hội. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước.

Thực tế, qua phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện có rất nhiều quy định quản lý trong lĩnh vực xăng dầu đang làm giảm tính cạnh tranh của thị trường, có thể kể đến như: quy định về điều hành giá khiến các doanh nghiệp không cạnh tranh về giá; quy định phân phối 1:1 giữa cửa hàng bán lẻ và đơn vị bán buôn…

Trước đây, khi giá xăng dầu thế giới ít biến động, giá điều hành không khác nhiều so với giá thế giới nên sự thiếu hụt xăng trước mỗi kỳ điều chỉnh diễn ra không phổ biến. Gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu ngay cả sau khi điều hành giá. Ngay trước mỗi kỳ điều chỉnh giá có tình trạng găm hàng hoặc cố tình nhập hàng nhỏ giọt (do chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt) dẫn đến thiếu hụt. Sự thiếu hụt này chỉ diễn ra vài ngày trước mỗi kỳ điều hành giá và hết ngay khi giá trong nước được điều chỉnh theo giá thế giới. Điều này là do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng trong năm 2022 nhưng chưa kịp phản ánh trong giá điều hành.

Để ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, theo VCCI, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Mặt khác, TS. Phạm Thế Anh - Giảng viên cao cấp về kinh tế vĩ mô của Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì thực tế biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ. Mặc dù kỳ vọng của chính sách này là nhằm giảm biên độ biến động giá, nhưng nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai.

Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả Quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả Quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả Quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Do đó, nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả Quỹ đúng đắn.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tìm giải pháp thúc đẩy cạnh tranh thị trường

Tại Dự thảo Nghị định được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án về phương thức điều hành giá, Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở (phương án 1) và Nhà nước không định giá xăng dầu mà sẽ do cung cầu của thị trường quyết định (phương án 2). Trong đó, Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, việc lựa chọn phương án 1 sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng bất cập như đã diễn ra thời gian qua mà không có cách nào khắc phục được, vì thực tế việc tính toán chi phí này rất phức tạp, nhiều thông số đầu vào không có cơ sở tham chiếu hoặc rất dễ bị báo cáo sai lệch… Do đó, Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lựa chọn phương án 2 để sửa đổi một cách căn bản tư duy quản lý điều hành, thực hiện việc quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong việc xác định giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường. Trong trường hợp lần sửa đổi này tạm thời lựa chọn phương án 1 thì cần xác định thời điểm và lộ trình thay đổi phương thức quản lý giá xăng dầu theo phương án 2, hướng tới thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường ngay trong Tờ trình xây dựng Nghị định sửa đổi lần này để sớm sửa đổi theo phương án 2.

Theo phân tích của VCCI, giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường, cạnh tranh càng cao thì giá bán càng sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thoả thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí.

“Việc Nhà nước không điều hành giá mà để cung cầu của thị trường quyết định thì luôn phải đi kèm với tăng cường tính cạnh tranh của thị trường. Chỉ có áp lực cạnh tranh mới khiến nhà cung cấp không thể tăng giá một cách bất hợp lý. Do vậy, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như: cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu”, VCCI đề xuất.

Muốn thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc làm có thể lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn.

Muốn giảm chi phí thì cần phải giảm bớt các tầng nấc trung gian, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề xuất, phương án quản lý theo các công đoạn của kinh doanh xăng dầu gồm có: sản xuất; nhập khẩu; bán buôn; bán lẻ; các dịch vụ hỗ trợ.

Để xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu, qua tổng hợp của VCCI cho thấy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ. Hiện Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm là không quy định cụ thể mức chiết khấu vì cho rằng đây là quan hệ dân sự, giành quyền chủ động cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, điều này là thiếu nhất quán trong chính sách, không đảm bảo tính đồng bộ về cơ chế quản lý, Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời, trong khi bên bán buôn không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa, thì bên bán lẻ phải áp dụng giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.

Chuyên đề