Giá xi măng đồng loạt tăng theo than, xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Giá xi măng trong nước tiếp tục tăng 50.000-140.000 đồng/tấn vì nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Đây là lần tăng thứ 3 của mặt hàng này từ đầu năm đến nay.

Từ giữa tháng 6, nhiều doanh nghiệp liên tục thông báo tăng giá bán xi măng thêm khoảng 50.000-80.000 đồng/tấn.

Đơn cử, ngày 10/6, xi măng Trung Sơn điều chỉnh thêm 90.000 đồng/tấn các sản phẩm xi măng bao và rời của doanh nghiệp. Tương tự, Công ty CP kinh doanh xi măng miền Bắc thông báo tăng giá bán các sản phẩm xi măng Norcem Yên Bình và xi măng Norcem Mai Sơn lên 70.000 đồng/tấn đối với các chủng loại xi măng bao, rời và bao jumbo từ 10/6.

Từ 15-25/6, liên tiếp các công ty xi măng như: Công Thanh, Tân Quang - VVMI, Hạ Long, Cẩm Phả, Vicem Hoàng Mai, Quang Sơn, Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch... thông báo tăng giá bán 50.000-140.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Nguyên nhân được các doanh nghiệp lý giải rằng giá nguyên vật liệu tăng cao như: Than, dầu, thạch cao... dẫn đến giá thành sản xuất tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng song giá than tăng mạnh. Trong quý I, giá xi măng tăng 30.000-50.000 đồng/tấn, tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Vicem Hoàng Mai cho biết ngày 7/6, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tăng giá than thêm 15% so với trước. Bên cạnh đó, giá xăng tăng liên tục và dự kiến tiếp tục tăng cũng gây áp lực lớn lên giá bán xi măng của doanh nghiệp.

"Mặc dù đã tìm nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu nhưng doanh nghiệp không thể bù đắp. Do đó, đơn vị điều chỉnh tăng 70.000 đồng/tấn", lãnh đạo Vicem Hoàng Mai cho hay.

Như vậy, đây là đợt tăng giá thứ 3 của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay nhằm đảm bảo cân bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh vì chi phí đầu vào đang tăng cao và nhanh. Trong đợt điều chỉnh tăng giá hồi tháng 3, đầu tháng 4 và nửa cuối tháng 5, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều có mức tăng 100.000-150.000 đồng/tấn và 55.000-80.000 đồng/tấn.

Dự báo về thị trường xi măng năm nay, các chuyên gia cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại do chúng ta đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp áp lực lớn để duy trì như hiện nay do cạnh tranh lớn cùng áp lực từ giá đầu vào.

Trái ngược với xi măng, giá thép trong nước đang có xu hướng giảm liên tục. Mới đây, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép thêm 300.000-720.000 đồng/tấn.

Đơn cử, thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 510.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá lần lượt là 16,6 triệu đồng/tấn và 17 triệu đồng/kg.

Thép Kyoei điều chỉnh giảm 410.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 500.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện giá của hai sản phẩm này ở mức 16,4 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.

Nguyên nhân giá thép giảm là do giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép đã giảm đáng kể. Theo Trading Economics, giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 20/6 là 4.438 nhân dân tệ/tấn (660 USD/tấn), giảm 2,5% so với cuối tuần trước và thấp nhất kể từ ngày 15/12/2021.

Như vậy, đây là lần giảm thứ 6 của mặt hàng này kể từ ngày 11/5, tổng mức giảm khoảng 2,5 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép.

Chuyên đề