Giá xăng dầu tăng - áp lực lớn cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trên thị trường trong nước tăng đáng kể theo đà tăng của thị trường thế giới. Nhiều ý kiến dự báo, loại nhiên liệu này có thể tiếp tục xu hướng tăng giá trong thời gian tới. Đây là điều đáng ngại với doanh nghiệp và người dân, do đó, cần giải pháp hỗ trợ kịp thời để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với quá trình mở dần lại các hoạt động kinh tế.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng khoảng 6.400 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 5.170 đồng/lít và giá dầu madut tăng khoảng 4.400 đồng/kg. Ảnh: Lê Tiên
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng khoảng 6.400 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 5.170 đồng/lít và giá dầu madut tăng khoảng 4.400 đồng/kg. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 11/10, Liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục điều chỉnh giá xăng tăng 930 - 970 đồng/lít và dầu tăng 510 - 980 đồng/lít (kg). Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng khoảng 6.400 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 5.170 đồng/lít và giá dầu madut tăng khoảng 4.400 đồng/kg, tương ứng mức tăng lần lượt là 32,4%; 34,5% và 35,3%

Cùng thời điểm, trên thị trường thế giới, giá dầu thô WTI tiếp tục đà tăng và đã phá mốc 80 USD/thùng. Giới phân tích thị trường dầu thế giới cho biết, giá dầu tăng do nhu cầu dầu thô thế giới phục hồi sau đại dịch trong bối cảnh nguồn cung phản ứng chậm. Các nền kinh tế dần mở cửa nhờ thực hiện chiến dịch tiêm chủng mạnh mẽ, từ đó khôi phục sản xuất, kinh doanh và đẩy nhu cầu tăng. Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP của Trung Quốc có thể tăng lên mức 8,5% năm 2021 thay vì mục tiêu 6% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra. Đà tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ là động lực chính cho sự phát triển của kinh tế thế giới sau đại dịch, từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu thô toàn cầu.

Bộ Công Thương nhận định, thời gian tới, giá xăng dầu thế giới có khả năng tiếp tục tăng khi các nền kinh tế dần hồi phục lại, mức độ tiêm vắc xin được mở rộng, các nước mở cửa bằng cách sử dụng thẻ xanh Covid-19. Về điều hành giá xăng dầu, ngoài việc bảo đảm nguồn cung, Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ phân tích các yếu tố về giá, thuế, để xem xét có thể giảm được không, ví dụ như giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng sinh học. Bộ Tài chính cũng nhận được chỉ đạo của Chính phủ về việc xem xét giảm thuế trong thời gian tới.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, giá xăng dầu chiếm từ 40 - 50% tổng giá thành cước vận chuyển hàng hóa, tùy theo loại hình mà tỷ lệ này có thể tăng giảm. Do đó, mức tăng giá xăng dầu lên đến khoảng 35% từ đầu năm đến nay đẩy các doanh nghiệp vận tải vào tình trạng vừa cạn kiệt nguồn lực do dịch bệnh Covid -19 khiến hoạt động kinh doanh ngưng trệ, vừa “oằn lưng” gánh chi phí tăng mà không dám tăng cước phí vì lo mất khách. “Rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ để các doanh nghiệp vận tải có thể giữ ổn định giá cước, cung cấp dịch vụ ở mức giá hợp lý, từ đó khôi phục sản xuất cho cả doanh nghiệp vận tải và các doanh nghiệp ngành nghề khác”, ông Liên nói.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp xi măng Việt Nam cho biết, giá xăng dầu tăng không tác động trực tiếp đến mặt hàng xi măng nhưng sẽ khiến giá vận chuyển tăng, từ đó khó có thể giữ ổn định giá bán ra thị trường.

Đồng quan điểm, theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ đẩy giá vận chuyển hàng hóa nguyên liệu và vận chuyển thành phẩm ra thị trường. Khi giá vận chuyển tăng thì giá bán sản phẩm khó có thể giữ ổn định.

Chuyên gia kinh tế, PSG. TS. Ngô Trí Long cho rằng, giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào như thép, xi măng và nhiều mặt hàng khác cùng tăng sẽ là lực đẩy với giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Đó là điều đáng lo với sức cạnh tranh của hàng hóa ở cả trong nước và xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng đến sức hồi phục của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. “Liên bộ Công Thương - Tài chính cần tìm cách kiềm giữ giá xăng dầu để giúp doanh nghiệp gắng gượng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, giữ thị phần và thị trường hàng hóa trong cuộc cạnh tranh không dễ dàng”, ông Long nói.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế để giảm giá mặt hàng xăng dầu là giải pháp dài hạn, cần thời gian để xem xét, đề xuất Quốc hội thông qua. "Trước mắt, các doanh nghiệp cần lực hỗ trợ nhanh và mạnh, nên có thể hãm đà tăng giá nhiên liệu bằng việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hoặc tăng cường các gói hỗ trợ tài chính khác để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn”, ông Thịnh nói.

Chuyên đề