Việc áp dụng giá điện hai thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm với nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi |
Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả
Theo Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, cơ chế giá điện hai thành phần hiện được áp dụng tại hầu hết các nước trên thế giới. Ưu điểm vượt trội của cơ chế này là đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, sử dụng nguồn lực hợp lý.
Ở nước ta, ngay từ năm 2014, tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt cơ chế giá bán điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép.
Đến thời điểm này, Việt Nam cơ bản đủ các yếu tố sẵn sàng cho việc áp dụng biểu giá điện hai thành phần. Cụ thể, theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, các tổng công ty điện lực đã triển khai áp dụng công tơ điện tử. Loại công tơ này có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh (thuộc đối tượng áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày - TOU).
Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho rằng, việc áp dụng thêm thành phần giá công suất sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm tiền điện, đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.
Ủng hộ đề xuất thí điểm cơ chế giá điện hai thành phần ở nước ta, TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, chuyên gia bộ môn quản lý năng lượng tại Đại học Điện lực Hà Nội nêu quan điểm, đáng lẽ cơ chế này phải được thực hiện từ lâu. Theo ông Sơn, cơ chế giá 1 thành phần đang áp dụng hiện nay không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng trả cho hệ thống, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, tạo rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng.
“Ví dụ, 2 người cùng sử dụng 100 kWh/tháng nhưng người thứ nhất có tổng công suất lắp đặt các thiết bị điện trong nhà lên tới 5 kW khác với người cũng sử dụng 100 kWh/tháng, nhưng công suất các thiết bị điện trong nhà chỉ 1 kW. Lúc này giá bán điện của ngành điện cho từng đối tượng phải khác, vì họ phải đầu tư chuẩn bị nguồn tương ứng với 5 kW với chi phí đầu tư cho công suất dự phòng lớn hơn, còn người có công suất lắp đặt 1 kW thì giá phải thấp hơn vì chi phí dự phòng thấp hơn”, ông Sơn phân tích và cho biết: “Áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần là cách để giảm chi phí đầu tư, giảm tính bất ổn định của hệ thống điện và từ đó nâng hiệu suất sử dụng điện trong nền kinh tế”.
GS. VS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, giá điện hai thành phần đã được nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, trong đó có những nước phát triển. “Lâu nay, giá điện của chúng ta là giá điện một thành phần, chỉ có điện năng tiêu thụ. Bây giờ đưa thêm thành phần là công suất tiêu thụ rất quan trọng, ở chỗ có khả năng làm giảm bớt công suất lắp đặt của hệ thống. Điều này giúp tính linh hoạt cũng như tính kinh tế của hệ thống sẽ tốt hơn”, ông Long nêu quan điểm.
Thúc đẩy minh bạch, tiến tới thị trường điện cạnh tranh
Theo các chuyên gia kinh tế, áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần chính là cách để Việt Nam tiến tới thị trường điện cạnh tranh.
“Để tiến tới thị trường điện cạnh tranh, Việt Nam càng triển khai giá điện hai thành phần càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay hiệu suất sử dụng (công suất lắp đặt) của các hộ tiêu dùng đang rất thấp. Nhiều máy móc, thiết bị không thực sự cần thiết nhưng người tiêu dùng vẫn mua về, thỉnh thoảng mới mang ra sử dụng… Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn cung điện thì ngành điện phải chi đầu tư rất lớn cho nguồn và lưới, gây áp lực lên ngân sách cũng như hệ thống điện”, TS. Nguyễn Thành Sơn nêu quan điểm.
Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng, trong cải cách thị trường điện, các nước đang đi trước Việt Nam rất nhiều và đã bước sang giai đoạn thị trường điện cạnh tranh. Ở đó, người mua và người bán giao dịch với nhau qua hợp đồng mua bán điện. Người mua biết rõ họ mua theo giá nào có lợi cho họ. Người bán đặt ra quy định về giá hai thành phần thì người mua sẽ tính được mua giá công suất bao nhiêu và mua giá năng lượng bao nhiêu. Điều này giúp cho việc sử dụng điện năng ngày càng hiệu quả hơn.
“Điểm yếu nhất của Việt Nam là hiện hiệu suất sử dụng điện rất thấp. Hiện 1 kWh điện chúng ta mới làm ra được 1 - 2 USD, trong khi đó, trung bình của thế giới 1 kWh điện phải làm ra được 3 USD”, TS. Sơn thông tin thêm.
Đề cập về kinh nghiệm của thế giới trong việc áp dụng giá điện hai thành phần, vị chuyên gia này cho biết, về đầu bán, họ cũng chia ra các mức, thường có 2 mức, một là giá tính theo năng lượng điện (kWh) và giá tính theo công suất tiêu thụ. Với Việt Nam, để đưa ra mức giá như thế nào và có bao nhiêu mức thì cần có tính toán cẩn trọng và minh bạch.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell bày tỏ sự ủng hộ với việc áp dụng giá điện hai thành phần. Tuy nhiên, ông Đạm cho rằng, có hai điều then chốt cần phải được rõ ràng. Thứ nhất, lâu nay các công ty điện lực nói giá bán luôn thấp hơn giá sản xuất, nhưng điều người dân quan tâm nhất là làm sao minh bạch được giá sản xuất. “Nếu minh bạch, công khai được giá thành sản xuất điện để người dân, doanh nghiệp biết rõ thì sẽ là cơ sở tốt để triển khai thí điểm giá điện hai thành phần”, ông Đạm nói. Thứ hai, mức giá đưa ra phải hợp lý. Nếu hợp lý thì Marvell cũng như các doanh nghiệp khác đều ủng hộ.
Theo thông tin của Cục Điều tiết điện lực, việc áp dụng giá điện hai thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm với nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, chưa áp dụng với khách hàng sinh hoạt. Sau khi thí điểm, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, trình Thủ tướng xem xét quyết định việc triển khai áp dụng phù hợp.