Giá dầu cản bước doanh nghiệp, ứng phó thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu ngày 5/9 vừa qua, giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục có mức tăng mạnh, đưa mặt hàng này lần đầu tiên trong lịch sử vượt giá xăng trong nước, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp (DN). Dự báo trong thời gian tới, giá dầu tiếp tục biến động phức tạp, có thể duy trì ở mức cao, tác động không thuận lợi lên nền kinh tế.
Giá nhiên liệu, trong đó có giá dầu tăng khiến giá dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa. Ảnh: Tiên Giang
Giá nhiên liệu, trong đó có giá dầu tăng khiến giá dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa. Ảnh: Tiên Giang

Gia tăng áp lực cho doanh nghiệp

Tại Tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” được tổ chức ngày 8/9, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, xăng dầu là nhiên liệu quan trọng, dù nhiều hay ít, hầu hết các ngành kinh tế đều sử dụng. Trong tổng chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% đối với hoạt động khai thác thuỷ sản; chiếm 63,36% đối với hoạt động vận tải; 45,18% đối với khai thác than…

Thời gian tới, dự báo giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Thậm chí, theo đánh giá của Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), trong kịch bản tiêu cực, giá dầu thô có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh.

TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, giá dầu thế giới có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm.

Khi giá dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ gây áp lực lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá cả và kiểm soát lạm phát; khiến chi phí đầu tư sản xuất tăng cao; gây khó khăn cho xuất khẩu và làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Với DN, giá dầu tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào, tạo áp lực lớn cho quá trình phục hồi, tăng tốc phát triển của DN.

Ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - cho hay, khi giá nhiên liệu, trong đó có giá dầu biến động tăng, giá dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Sử dụng nhiều công cụ để bình ổn thị trường

Trước biến động và sức ép của giá dầu, ông Lê Tuấn Anh cho rằng, cần phải thực hiện các giải pháp ngắn hạn cũng như trung và dài hạn để ứng phó với diễn biến bất lợi của giá dầu nhằm ổn định và phát triển kinh tế.

Trước mắt, theo ông Tuấn Anh, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát thế giới và biến động cung - cầu các mặt hàng chiến lược, trong đó có xăng dầu để kịp thời có giải pháp điều hành phù hợp, tận dụng cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và bảo đảm cung cầu thị trường trong nước.

Đối với nguồn cung, cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung đi đôi với sử dụng linh hoạt công cụ bình ổn giá xăng dầu, quản lý điều hành và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý, bảo đảm cân đối, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Trong trung và dài hạn, sớm đầu tư xây dựng các kho dự trữ chiến lược quốc gia về dầu mỏ để chủ động ứng phó với các biến động bất thường có thể tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chuyển đổi cơ cấu năng lượng, đẩy mạnh đầu tư các dự án năng lượng sạch, tái tạo, chú trọng phát triển công nghiệp xanh, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này để giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch...

Với DN, ông Tuấn Anh cho rằng, cần triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp để thích ứng với chi phí xăng dầu tăng như: nâng cao quản trị; tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa; đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao…

Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu tăng, ông Khôi đưa ra giải pháp tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Trong đó, cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu xăng dầu như kinh nghiệm của các nước. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường.

Chuyên đề