Giá bất động sản tăng: Biết bệnh có trị được bệnh?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá bất động sản năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 tăng, trong đó, có những khu vực, dự án giá tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2020. Có ý kiến cho rằng, các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng so với trước đây là nguyên nhân làm tăng giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng như thu hẹp cơ hội có chỗ ở của người thu nhập thấp.
Năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, giá bất động sản tại nhiều khu vực, dự án tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020. Ảnh: Tường Lâm
Năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, giá bất động sản tại nhiều khu vực, dự án tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020. Ảnh: Tường Lâm

Bảng giá đất mới tác động thế nào?

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 về khung giá đất, UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành bảng giá đất của địa phương áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024. Các địa phương đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trong năm 2021. Theo đó, giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15 - 20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước.

Trước ý kiến việc ban hành giá đất mới đẩy giá bất động sản tăng, Bộ Xây dựng cho biết, cơ cấu, tỷ trọng chi phí về đất trong giá thành bất động sản rất khác nhau đối với mỗi dự án. Tại các khu vực đô thị, tiền sử dụng đất chiếm bình quân khoảng 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, khoảng 20 - 30% giá thành nhà liền kề thấp tầng, khoảng 50% giá thành biệt thự. Ở các khu vực ngoại thành, nông thôn với giá đất rẻ thì tỷ lệ này thấp hơn.

Bộ Xây dựng cho rằng, trường hợp chi phí về đất của một dự án bất động sản căn cứ trực tiếp từ giá đất trong bảng giá đất được ban hành thì việc tăng giá đất khoảng 15 - 20% của các địa phương cũng chỉ làm tăng giá thành bất động sản nhà ở khoảng 1,5 - 5%. Tuy nhiên, đối với dự án bất động sản thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chi phí về đất của dự án chịu tác động bởi giá đất trên thị trường. Khi đó, việc điều chỉnh bảng giá đất của địa phương chỉ có tác động gián tiếp.

Theo Bộ Xây dựng, giá bất động sản tăng còn có nguyên nhân do giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá".

Mặt khác, việc áp dụng khung giá đất, bảng giá đất mới tại các địa phương chưa lâu (sớm nhất là từ thời điểm 1/1/2020). Các dự án được hoàn thành và có sản phẩm chào bán ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu là dự án thực hiện và áp dụng giá đất theo khung giá, bảng giá đất trước đó.

“Việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng so với trước đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án trong năm 2020 và thời gian qua. Tuy nhiên, việc tăng giá đất vẫn có phần tác động làm tăng giá bất động sản trong thời gian tới, đặc biệt là giá nhà đất của người dân tại các khu vực hiện hữu”, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng nhận định.

Sẽ xử lý nghiêm đối tượng “thổi giá” thu lợi bất chính

Theo Bộ Xây dựng, không chỉ do tăng giá đất, hiện tượng tăng giá bất động sản trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 còn có nhiều nguyên nhân khác như: nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu; chuyển dịch dòng vốn đầu tư để bảo đảm an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh… Bên cạnh đó, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án bất động sản tăng cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm bất động sản tăng. Ngoài ra còn có nguyên nhân do giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá".

Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã và đang nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thật của thị trường. Trong năm 2021, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản như rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 76/2015/NĐ-CP và Nghị định 117/2015/NĐ-CP. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70 m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2) để trình Chính phủ xem xét ban hành...

Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn, đặc biệt là về hệ thống đường giao thông…) để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính…

Chuyên đề