Ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là bước đi quan trọng trên hành trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Lê Tiên |
Bước đi chiến lược từ phát triển nguồn nhân lực
Phát biểu tại Lễ bế giảng Chương trình thiết kế vi mạch đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm chủ động xây dựng vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghiệp, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định rõ mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn. Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay, Bộ đang hoàn thiện Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân, tham gia vào tất cả công đoạn của chuỗi giá trị ngành bán dẫn.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ: “Tôi thấy Bộ trưởng KH&ĐT, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng như lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã lăn lộn, tâm huyết từ viết chính sách, làm việc với doanh nghiệp, chuyên gia, làm việc miệt mài suốt thời gian qua để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Về nhà trường, tôi thấy chưa bao giờ trong thời gian ngắn như vậy, các trường đại học tham gia đào tạo ngành bán dẫn nhanh chóng, sẵn sàng”.
Để chuẩn bị cho lộ trình phát triển của công nghiệp bán dẫn, cam kết đào tạo 10.000 người với việc bắt đầu đào tạo từ các khóa ngắn hạn, cao đẳng đến đại học, FPT đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.
PGS. TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, năm học 2024 - 2025, Đại học Quốc gia TP.HCM bắt đầu mở ngành đào tạo thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn. Trường đã có chương trình thu hút giảng viên là các tiến sĩ trẻ, các nhà khoa học đầu ngành; tham khảo nhiều chương trình đào tạo từ nước ngoài cũng như các doanh nghiệp thành danh để cập nhật phù hợp; đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm…
Khẩn trương nắm bắt cơ hội
Trước bối cảnh cuộc đua chip toàn cầu không ngừng nóng lên, từ góc độ đơn vị tham gia công tác đào tạo nhân lực, Lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia TP.HCM đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050. Đề án mở rộng nguồn lực đầu tư, là cú huých vô cùng quan trọng cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nói chung.
Ông Vũ Hải Quân nhớ lại: “Khi tôi còn là sinh viên, lúc đó, đất nước có chủ trương phát triển mạnh ngành công nghiệp phần mềm, nhưng chúng ta đã loay hoay và bỏ mất cơ hội bởi hai nguyên nhân chính. Một là chúng ta chưa có tập đoàn công nghệ phần mềm tầm cỡ khu vực và thế giới. Hai là, phần lớn các doanh nghiệp làm cho các công ty nước ngoài, chưa xây dựng được thương hiệu Việt Nam”. Vì vậy, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh, nếu không có sự chuẩn bị nền tảng tốt thì chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội này.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, Trường có chiến lược trở thành trung tâm đào tạo nghiên cứu đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á về công nghiệp bán dẫn. Nguồn nhân lực này không chỉ phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước mà còn có thể đáp ứng nhu cầu quốc tế, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam.
Ngày 5/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ KH&ĐT làm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Cùng với việc “mở chiến dịch” phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ KH&ĐT đang được Chính phủ giao sửa Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC nhằm tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi, đột phá, thông thoáng để thu hút đội ngũ trí thức, các doanh nghiệp công nghệ lớn từ các nước có trình độ công nghệ phát triển.
Theo hướng này, Nghị định tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của NIC và bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo, đối tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo để thu hút các đối tượng này đến đầu tư, hợp tác tại NIC. Chẳng hạn, về thị thực, Dự thảo Nghị định bổ sung thêm trường hợp được xem xét cấp thị thực nhập cảnh có giá trị sử dụng nhiều lần và thời hạn phù hợp với thời gian làm việc trực tiếp tại NIC.
Về ưu đãi đất đai và tạo mặt bằng hoạt động, Dự thảo Nghị định kế thừa các quy định tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP với việc: NIC được thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê; kế thừa các quy định ưu đãi đất đai và tạo mặt bằng đối với cơ sở Trung tâm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Dự thảo Nghị định bổ sung thêm nội dung NIC không thuộc đối tượng nộp tiền thuê đất trong trường hợp sử dụng tài sản gắn liên với đất để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm giảm sức ép cho Trung tâm khi thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện thuận lợi để NIC tăng cường tài chính triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiệu quả.
Về cơ chế tài chính, đầu tư, Dự thảo Nghị định bổ sung cơ chế cho NIC được thành lập quỹ đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo để bổ sung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, đây là những bước đi chủ động nhằm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. “Khi chúng ta cùng nhau nỗ lực không ngừng, hợp tác hài hòa, tận dụng và phát huy thế mạnh của mỗi bên thì không việc gì là không thể!”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.