Gặp khó, doanh nghiệp bất động sản mang “con” đi bán

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2020 tiếp tục điểm tên nhiều doanh nghiệp bất động sản kinh doanh sa sút, dòng tiền kinh doanh âm.
Doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn khi dự án bị chậm,
dịch Covid-19 khiến doanh thu giảm, hàng tồn kho tăng, trong khi vẫn phải trả
các chi phí khác. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn khi dự án bị chậm, dịch Covid-19 khiến doanh thu giảm, hàng tồn kho tăng, trong khi vẫn phải trả các chi phí khác. Ảnh: Lê Tiên

Để điều tiết dòng tiền, một trong các giải pháp công ty bất động sản lựa chọn là thoái vốn, bán công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên.

Điểm danh doanh nghiệp có dòng tiền âm

Quý II/2020, Công ty CP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) ghi nhận hơn 4 tỷ doanh thu thuần, tăng 7% so với quý II/2019. Tuy nhiên, tiền lãi gửi ngân hàng giảm mạnh và trích lập gần 2 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi của Công ty TNHH Nice Ceramic khiến lãi ròng quý II giảm 64% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn gần 2 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của VRG đạt 12,45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra cho cả năm 2020, VRG mới hoàn thành được lần lượt 16% và 22%. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm hơn 47 tỷ đồng, chủ yếu do tăng hơn 34 tỷ đồng tiền chi trả cho người cung cấp dịch vụ hàng hóa, cho người lao động và tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh.

Công ty CP Đầu tư LDG (LDG) là một trong những trường hợp hiếm hoi ghi nhận doanh thu tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận giảm đến 99%. Cụ thể, trong quý II vừa qua, doanh thu thuần của LDG đạt 393 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao cùng với chi phí tài chính tăng gấp 12 lần, chi phí bán hàng tăng 5 lần đã bào mòn lợi nhuận của LDG, chỉ còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, quý II/2019, LDG ghi nhận lãi 77 tỷ đồng. Điểm tích cực trong báo cáo cáo tài chính của LDG là dòng tiền kinh doanh dương 58 tỷ đồng, tuy vậy, dòng tiền thuần vẫn âm 9,9 tỷ đồng.

Mặc dù chưa có kết quả kinh doanh quý II, song Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức cũng lọt vào câu lạc bộ dòng tiền kinh doanh âm trong những tháng đầu năm 2020. Riêng quý I, do doanh thu bán hàng giảm, thị trường bất động sản khó khăn bởi dịch Covid-19, các dự án mới chưa kịp đưa vào kinh doanh khiến Nhà Thủ Đức lỗ ròng hơn 18 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Nhà Thủ Đức cũng ghi nhận âm 33,7 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, nguyên nhân chính vẫn là tăng các khoản phải thu và tăng hàng tồn kho.

Tương tự, tại Quốc Cường Gia Lai, doanh thu những tháng đầu năm giảm mạnh nhưng nhờ lãi chuyển nhượng vốn góp đã giúp Công ty ghi nhận lãi tăng đột biến, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2019, lên đến 30 tỷ đồng. Trong quý đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai âm 156 tỷ đồng.

Làn sóng bán công ty thành viên

Năm 2020, doanh nghiệp bất động sản gặp khó chồng khó khi thủ tục pháp lý khiến nhiều dự án bị chậm lại, dịch Covid-19 khiến doanh thu bán hàng sụt giảm, hàng tồn kho tăng, trong khi vẫn phải chi trả các chi phí khác như lãi vay ngân hàng, chi phí nhân viên… Do đó, để điều tiết dòng tiền, giải pháp thoái vốn, bán công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên được nhiều doanh nghiệp đưa ra.

Đơn cử như tại Quốc Cường Gia Lai, từ đầu năm đến nay, Công ty liên tiếp thoái vốn tại các công ty con. Hồi tháng 4/2020, doanh nghiệp này đã hoàn tất chuyển nhượng 56% vốn tại Công ty CP Bất động sản Hiệp Phúc. Cuối tháng 6 vừa qua, HĐQT Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thông qua nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ 34% cổ phần còn lại tại doanh nghiệp này với giá chuyển nhượng tối thiểu bằng giá mua. Gần đây nhất, Công ty vừa thông báo hoàn tất việc chuyển nhượng 35% cổ phần sở hữu tại Bất động sản Sông Mã, thu về 122 tỷ đồng, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống 14,9% vốn.

Ngày 4/6 vừa qua, Nhà Thủ Đức cũng thông báo việc chuyển nhượng toàn bộ 49% vốn, tương đương với 1,8 triệu cổ phần tại Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức. Tổng giá trị chuyển nhượng đạt gần 88 tỷ đồng.

Còn tại LDG, từ cuối năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này cũng liên tục chuyển nhượng cổ phần tại các công ty. Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Gia Lộc, LDG thông qua chuyển nhượng 7,2 triệu cổ phần tương đương 90% vốn điều lệ, số tiền thu về ít nhất 350 tỷ đồng. LDG cũng bán toàn bộ 99,9% cổ phần tại Công ty CP Địa ốc Bình Nguyên, thu về ít nhất 482 tỷ đồng.

Việc doanh nghiệp bất động sản thoái vốn, bán bớt công ty thành viên nhằm mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp tạo ra dòng tiền, giúp doanh nghiệp có tiền xoay sở, phục vụ các dự án kinh doanh khác hiệu quả hơn, thậm chí là làm đẹp giá trị sổ sách. Tuy nhiên, về lâu dài, để doanh nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả, nguồn thu phải đến từ các hoạt động kinh doanh chính chứ không phải đến từ việc thoái vốn, bán cổ phần, tài sản nhằm tạo ra đột biến trong ngắn hạn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư