Lĩnh vực fintech tại Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc vì còn rất nhiều tiềm năng. Ảnh: Tường Lâm |
Đã có mặt và đang mở rộng
Thương vụ Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc mua lại hơn 62% cổ phần của VNPT Pay cách đây gần 3 năm đánh động cộng đồng fintech Việt Nam về một làn sóng đầu tư ngoại đang đổ vào lĩnh vực này.
Kể từ đó, bước chân của các nhà đầu tư fintech Hàn Quốc tại Việt Nam càng được chú ý. Đầu năm 2018, Công ty thẻ tín dụng Lotte Card thuộc Tập đoàn Lotte đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc việc mua lại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ Thương (Techcombank Finance) của Techcombank. Với thương vụ này, Lotte Card cho biết sẽ tập trung phát triển tài chính tiêu dùng không sử dụng tiền mặt, ứng dụng fintech. Tại Việt Nam, Lotte Card đã có khoảng 1,5 triệu khách hàng tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm mua sắm.
Một ông lớn khác trong ngành tài chính của Hàn Quốc là Công ty Shinhan Card (công ty con của Tập đoàn Tài chính Shinhan) đã có cuộc gặp chính thức với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam và mong muốn tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở Việt Nam. Shinhan đã ký hợp đồng mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam từ đầu năm 2019 với mong muốn góp phần thực hiện chính sách tiêu dùng không dùng tiền mặt và tập trung phát triển fintech tại Việt Nam.
Nhận xét về xu thế này, ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng nhiều nhất trên thị trường Việt Nam với 2 ngân hàng vốn nước ngoài, 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 6 văn phòng đại diện và 2 công ty cho thuê tài chính.
Sở dĩ Việt Nam có sức hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc như vậy, theo ông Nguyễn Kim Anh, vì có nhiều điều kiện thuận lợi và là một thị trường tiềm năng lớn về phát triển lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhất là fintech như: quy mô dân số, số lượng người dùng điện thoại thông minh, mạng Internet phát triển nhanh và sôi động, sự am hiểu lĩnh vực công nghệ thông tin...
Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển lĩnh vực fintech, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo fintech. Mục tiêu là nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái fintech hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của các công ty fintech tại Việt Nam.
Không quá lo lắng về cạnh tranh
Từ cộng đồng fintech, ông Trần Hữu Đức, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ fintech (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, các ứng dụng fintech tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hiện số ngân hàng ứng dụng công nghệ này vẫn còn ít, cho nên còn rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư ngoại đang muốn tham gia ngay từ đầu để có thể tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Đức, đây chỉ là con số rất nhỏ so với tiềm năng phát triển của Việt Nam. Thực tế, số doanh nghiệp fintech khởi nghiệp thành công, sống sót là khá “khiêm tốn”, phần lớn “chết yểu” vì không có nguồn lực tài chính, thiếu kinh nghiệm quản trị...
Chứng kiến làn sóng đầu tư ồ ạt của các nhà đầu tư ngoại trong năm qua, ông Đức nhận thấy thách thức đặt ra cho doanh nghiệp trong nước là nguy cơ bị “nuốt chửng” bởi các công ty fintech Hàn Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ nhờ chính sách cởi mở và chiến lược thúc đẩy của Chính phủ nước này. “Dù vậy, chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Với sự kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang có thời gian chuẩn bị. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ để phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này”, ông Đức phân tích.