Ảnh Internet |
BCI cho thấy một bối cảnh đầy thách thức khi số lượt phản hồi bi quan liên quan đến tình hình kinh doanh hiện tại tăng tới 10%. Sự thận trọng ngày càng tăng được phản ánh rõ hơn qua tâm lý bi quan tăng 6% trong quý sắp tới.
Tuy nhiên, báo cáo của EuroCham Việt Nam cũng cho thấy những tín hiệu khích lệ giữa bối cảnh hiện nay. Số lượng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh trong quý III/2023 đã tăng 9% so với đánh giá của họ cho quý II/2023.
Các doanh nghiệp đang thận trọng đánh giá toàn cảnh, tập trung vào việc tối ưu hóa doanh thu và đơn hàng, với mức tăng nhẹ 4% trong tỷ lệ các công ty dự đoán sự sụt giảm trong hai lĩnh vực trên. Ngoài ra, số lượng các công ty có kế hoạch quản lý chặt chẽ các khoản đầu tư trong quý tới đã tăng thêm 7%. Dù vậy, việc lập kế hoạch cho lực lượng lao động vẫn ổn định, phản ánh cam kết duy trì sự ổn định trong bối cảnh hiện tại.
Với sự thận trọng trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp tham gia khảo sát nhấn mạnh cải cách quy định và sự sẵn có của lực lượng lao động lành nghề là động lực tăng trưởng then chốt cho các công ty của họ. Cải cách quy định được xem là yếu tố hàng đầu góp phần vào tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi sự sẵn có của lực lượng lao động lành nghề được ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất.
Báo cáo đã chỉ ra tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp trong thời gian khảo sát. Mặc dù tình hình đã ổn định hơn nhờ những cơn mưa lớn, khoảng 60% số người tham gia khảo sát đã chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt điện đối với hoạt động kinh doanh. Thiếu hụt điện làm năng suất hoạt động và năng suất lao động giảm, sản xuất và dịch vụ bị gián đoạn.
Theo EuroCham Việt Nam, đảm bảo các giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề ổn định nguồn cung cấp điện vẫn là ưu tiên hàng đầu để duy trì hiệu quả kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế tổng thể.
Báo cáo nhấn mạnh về góc nhìn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu về sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, với 53% cho rằng cơ sở hạ tầng hiện tại "không tương xứng" hoặc "tụt hậu". Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề này, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm như lĩnh vực đường cao tốc.
Ảnh Internet |
Bất chấp những thách thức trên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tin rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý tới. Tuy nhiên, có tổng cộng 40% doanh nghiệp bày tỏ không có kế hoạch tăng FDI, đánh dấu mức tăng 4% so với BCI trước đó. Dù vậy, Việt Nam vẫn củng cố vị trí một trong năm điểm đến đầu tư hàng đầu của hơn 1/3 doanh nghiệp, cho thấy sức hấp dẫn lâu dài của đất nước.
Các doanh nghiệp được khảo sát nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn tài chính để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng các quy định không rõ ràng (53%) và thủ tục hành chính rườm rà (50%) là những rào cản pháp lý chính hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) được thực hiện hàng quý được xem là thước đo hàng đầu để đánh giá góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu về thị trường Việt Nam. Bằng cách thu thập phản hồi từ mạng lưới rộng lớn gồm 1.300 thành viên của EuroCham Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, Báo cáo cung cấp những đánh giá sâu sắc về bối cảnh kinh doanh hiện tại ở Việt Nam và đưa ra cái nhìn tổng quan về những kỳ vọng trong tương lai.
Các dự định và thực tế về việc chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã giảm đi, với phần lớn (81%) các công ty chưa dịch chuyển bất kỳ hoạt động sản xuất nào. Trong số đó, chỉ có 3% doanh nghiệp đang xem xét việc dịch chuyển, 2% đã chủ động lên kế hoạch cho việc dịch chuyển.
Báo cáo cũng nhấn mạnh những quan ngại của gần 40% số người tham gia khảo sát về việc triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu sắp tới. Tương tự, khoảng 42% doanh nghiệp cho biết họ chưa hiểu đầy đủ về Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam, điều này cho thấy cần phải đào tạo và hướng dẫn thêm về vấn đề này.
Đối với những lợi ích và thách thức của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), kết quả khảo sát cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Trong số đó, 35% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thu được lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc tận dụng tối đa các thỏa thuận của Hiệp định, với các thủ tục hành chính và việc hiểu biết không đầy đủ về Hiệp định này vẫn là những rào cản chính đối với việc phát huy tối đa các lợi ích từ Hiệp định.