EuroCham: Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Decision Lab thực hiện, BCI giữ mức ổn định 48,0 điểm trong quý đầu năm 2023. Mặc dù chỉ số này giữ nguyên so với cuối năm 2022, nhưng đã có những dấu hiệu hứa hẹn một sự thay đổi tích cực trong triển vọng kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Báo cáo chỉ ra, một điểm đáng khích lệ là triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện đáng mong đợi. Cụ thể, số doanh nghiệp châu Âu lạc quan về nền kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, cho thấy niềm tin ngày càng tăng vào triển vọng kinh tế.

Tương tự, một điểm đáng chú ý là số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán nền kinh tế sẽ ổn định và phát triển đã tăng. Theo khảo sát, số doanh nghiệp dự đoán nền kinh tế suy thoái giảm 6%, trong khi số doanh nghiệp dự đoán sẽ có cải thiện đối với doanh thu và đơn hàng tăng 7%.

Báo cáo đánh giá, thông qua một loạt sáng kiến chiến lược nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho vốn đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước.

Dựa trên phản hồi từ những doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy, việc đơn giản hóa quy định, các biện pháp phát triển bền vững, khuyến khích đầu tư và các chương trình phát triển lực lượng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cơ bản cho thành công kinh tế dài hạn.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam, với một phần ba số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng đáng kể hoặc vừa phải.

"Phản hồi tích cực này là minh chứng cho cam kết bền vững của Chính phủ đối với việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện", Báo cáo cho biết.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn vốn FDI

Kết quả khảo sát BCI quý I/2023 cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài (FDI) trong mắt các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, với hơn 3% các nhà lãnh đạo cho rằng Việt Nam là một trong ba trọng điểm đầu tư của họ trên toàn thế giới. Nhìn chung, 36% số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, trong top 3 hoặc trong top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu.

Mặc dù vậy, Báo cáo cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn đang chật vật với các vấn đề như quy định thiếu minh bạch, hành chính chưa hiệu quả, khó khăn khi xin thị thực và giấy phép lao động. Có thể nhận thấy số doanh nghiệp trả lời khảo sát chỉ ra những bất cập trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng có xu hướng tăng.

Một rào cản khác mà lĩnh vực sản xuất phải đối mặt là thủ tục hải quan phức tạp, trong khi các công ty dịch vụ chịu thách thức lớn về thị thực và giấy phép lao động. Hơn thế, nhiều ngành công nghiệp, như giao thông vận tải, dược phẩm và năng lượng tái tạo cũng gặp cản trở do luật chống tham nhũng chưa hoàn thiện.

Những doanh nghiệp tham gia khảo sát BCI khuyến nghị, cần cải thiện sự ổn định khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan để gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư năng động. Những biện pháp này sẽ giúp giải quyết các mối bận tâm của doanh nghiệp nước ngoài và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế đất nước.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình phát triển tài năng tại Việt Nam. Mặc dù có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng chỉ một phần ba các nhà lãnh đạo được khảo sát bày tỏ sự hài lòng với tính khả dụng và chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam.

Theo Báo cáo, đầu tư vào các sáng kiến phát triển nhân tài là cách giúp Việt Nam nâng cao sức hấp dẫn của mình với tư cách là một điểm đến FDI, và xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường toàn cầu.

Chuyên đề