Đưa công nghiệp trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động sản xuất công nghiệp kỳ vọng sẽ đạt kết quả tích cực trong năm 2024 khi Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2023. Giải pháp để thúc đẩy sản xuất công nghiệp là tập trung giải quyết những “điểm nghẽn” tồn tại bấy lâu.
Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7 - 8%. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7 - 8%. Ảnh: Lê Tiên

Tín hiệu thị trường sáng hơn

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho biết, về cuối năm 2023, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp (DN) tiến triển tích cực hơn. “Dự báo, năm 2024, cầu thị trường sẽ hồi phục rõ nét, hy vọng hoạt động của Công ty sẽ khả quan hơn”, ông Hồng kỳ vọng.

Công ty TNHH Cơ khí Chính xác Thăng Long là một trong những DN của TP. Hà Nội từng phải tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn về dòng tiền. Với nhiều nỗ lực, đến tháng 3/2023, DN này quay trở lại thị trường và hiện đã khôi phục được một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty đang lên kế hoạch cho năm 2024 với hy vọng những “điểm nghẽn” về môi trường kinh doanh sẽ sớm được khơi thông.

Đối với ngành dệt may, mặc dù nhận định cầu thị trường năm tới vẫn còn khó khăn, nhưng theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, từ nửa cuối năm 2023, mức độ suy giảm giá trị xuất khẩu thu hẹp dần. Theo đó, Hiệp hội dự báo thị trường năm 2024 cũng sẽ “ấm dần”.

Tại Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Bộ Công Thương đánh giá, tình hình sản xuất công nghiệp đang phục hồi. Giá trị gia tăng ngành ước cả năm tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. IIP năm 2023 ước tăng khoảng 2,84%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 7,4%) và chưa đạt như kỳ vọng, nhưng càng về cuối năm, hoạt động sản xuất công nghiệp càng được cải thiện, phục hồi tích cực.

Trên thế giới, sức cầu cũng đang trong xu hướng phục hồi. Nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn, những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam có tín hiệu tích cực.

Tuy vậy, năm 2024 vẫn chưa hết khó nếu năng lực sản xuất công nghiệp tại Việt Nam chậm được cải thiện và thiếu biến chuyển trong việc giải quyết các “điểm nghẽn” vốn có của nền công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 ước tăng khoảng 2,84%. Ảnh: Tuấn Anh

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 ước tăng khoảng 2,84%. Ảnh: Tuấn Anh

Doanh nghiệp cần thêm trợ lực

Nhận định năm tới sẽ “sáng” hơn năm 2023, song đại diện Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho biết, doanh nghiệp cần thêm trợ lực để nắm bắt cơ hội thị trường. Theo chia sẻ từ Công ty, gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho DN, song việc tiếp cận nguồn vốn này vẫn không dễ dàng, nhất là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp.

Ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm của DN phụ thuộc vào sự khởi sắc của ngành xây dựng và bất động sản. Tuy nhiên, hiện hoạt động hai ngành này chưa có dấu hiệu khởi sắc nên doanh nghiệp chỉ có thể kỳ vọng năm 2024 sẽ bớt khó hơn. Hiện tại, DN đang phải chịu áp lực do giá cả đầu vào sản xuất tăng cao.

Không chỉ vây, theo một số chuyên gia, các DN công nghiệp, đặc biệt là DN xuất khẩu sẽ phải chịu thêm chi phí tuân thủ, nhất là các quy định, tiêu chuẩn mới trên trường quốc tế năm 2024...

Từ thực tế đó, để thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, các DN kỳ vọng, Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp họ có thêm trợ lực để nhanh chóng hồi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Triển vọng thị trường năm 2024 với DN là sáng, nhưng nếu những khó khăn trước mắt, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng không được hỗ trợ “khơi thông” thì DN cũng khó nắm bắt cơ hội”, ông Vũ Đình Hồng chia sẻ.

Về phía Bộ Công Thương, đại diện Cục Công nghiệp cho biết, năm 2024, Cục sẽ chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…

Đồng thời, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tạo động lực tăng trưởng mới cho các ngành công nghiệp cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Trong đó, Cục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu các chính sách tăng cường hơn nữa việc mua sắm, sử dụng hàng hóa trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu; sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2024 - 2025... Mục tiêu là sớm có cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường.

Hệ thống chính sách phát triển công nghiệp cùng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp cũng sẽ được tập trung xây dựng, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp ưu tiên; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh trong những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên.

Chuyên đề