Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Rà soát kỹ để tháo gỡ chồng chéo, xung đột

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 70% khó khăn của các dự án nhà ở hiện nay là do vướng mắc pháp lý. Việc sửa Luật Nhà ở, cùng với một số luật liên quan cần giải quyết được vướng mắc thực tiễn, gỡ ma trận thủ tục nhằm khơi thông cho các dự án trong tương lai, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích thu hút các nguồn lực tư nhân đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Doanh nghiệp kỳ vọng Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông pháp lý để tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư nhà ở. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp kỳ vọng Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông pháp lý để tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư nhà ở. Ảnh: Lê Tiên

Tổng hợp từ thực tiễn, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, gỡ vướng pháp lý còn quan trọng hơn tất cả cơ chế hỗ trợ. Bởi vì quy trình rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, thiếu liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với dự án, mất khoảng 3 - 5 năm. Điều này làm mất cơ hội kinh doanh, tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp rất trông đợi vào việc sửa đổi Luật Nhà ở và các luật liên quan, như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá, Luật Phòng, chống rửa tiền... để những dự án trong tương lai không tiếp tục rơi vào ma trận thủ tục, không biết thực hiện theo luật nào, ách tắc mới chồng ách tắc cũ.

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, một số luật liên quan đến phát triển nhà ở được Quốc hội cho ý kiến lần đầu hoặc xem xét, thông qua. Trong đó, ngày 5/6/2023, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá Luật Nhà ở đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, ảnh hưởng đến từng người dân, kỳ vọng việc sửa đổi lần này sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là khơi thông pháp lý để các dự án đầu tư nhà ở triển khai thuận lợi.

Cho rằng việc đồng bộ pháp luật là rất quan trọng, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Luật Nhà ở (sửa đổi) có mối quan hệ mật thiết với nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng..., do đó, cần rà soát kỹ để tránh chồng chéo, xung đột.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cũng đề nghị rà soát lại vì vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất với các luật liên quan. Đại biểu lấy ví dụ Điều 36 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “Lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật này”, trong khi đối với lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất đã quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Luật Đất đai quy định trường hợp khu đất đấu thầu, đấu giá; Luật Đấu thầu quy định trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư... Nếu quy định như Điều 36 Dự thảo Luật thì chưa đảm bảo tính thống nhất.

Dự thảo Luật Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn có một số quy định xung đột, chưa thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Lê Tiên

Dự thảo Luật Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn có một số quy định xung đột, chưa thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Lê Tiên

Trong báo cáo thẩm tra Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật (UBPL) cho biết, qua nghiên cứu, rà soát, Dự thảo Luật vẫn còn có một số quy định xung đột, chưa thống nhất với các luật hiện hành và các dự thảo luật đã và đang trình Quốc hội.

UBPL dẫn chứng về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, bên cạnh việc kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành về 2 hình thức sử dụng đất là: có quyền sử dụng đất ở và có quyền sử dụng đất ở và đất khác, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung 2 trường hợp mới là “có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê” và “nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất quy định tại các điểm a, b hoặc điểm c khoản này theo quy định của pháp luật đất đai”. Tuy nhiên, theo UBPL, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không quy định 2 hình thức sử dụng đất mới được bổ sung để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, mà quy định dự án nhà ở thương mại thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất; đồng thời, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở. Theo UBPL, loại đất và hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là nội dung quan trọng, có nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về nhà ở và đất đai thời gian qua, được nhiều doanh nghiệp và người dân quan tâm. Việc giải quyết đúng đắn vấn đề này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản nhà ở, góp phần phân bổ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai thông qua cơ chế thị trường.

Hay về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ, UBPL chỉ ra Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: “Nhà nước không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được sử dụng để xây dựng nhà ở công vụ theo quy định tại Điều này”, tuy nhiên, Điều 114 và Điều 153 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất cho nhà ở công vụ mà chỉ miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Về lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, khoản 2 Điều 81 của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1 Điều này, trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu theo pháp luật đấu thầu. UBPL tán thành với quy định của Dự thảo Luật để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 120 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì dự án nhà ở xã hội không thuộc trường hợp phải đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Do đó, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất chỉnh lý lại quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thống nhất với Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chuyên đề