Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Nhiều điểm mới về vấn đề tài chính, tự chủ bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Trải qua 2 kỳ họp lấy ý kiến đại biểu Quốc hội và các chủ thể liên quan, Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội khóa XV thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 để có thể xem xét, thông qua nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các bệnh viện hiện nay, cũng như góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động KCB.

Sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này đã có nhiều điểm mới hơn so với trước, trong đó có nội dung về vấn đề tài chính và chế độ tự chủ tài chính, giá dịch vụ KCB và hoạt động xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội khóa XV thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội khóa XV thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Nhà nước đảm bảo kinh phí khi cơ sở KCB thực hiện nhiệm vụ được giao

Cụ thể, về tự chủ đối với cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) của Nhà nước, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ về cơ chế tự chủ của các bệnh viện; ý kiến khác đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện. Dự thảo Luật đã bổ sung 1 điều về tự chủ đối với cơ sở KCB của Nhà nước. Theo đó, Khoản 1 Điều 108 của Dự thảo Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với cơ sở KCB của Nhà nước để thực hiện chức năng nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khi thực hiện tự chủ.

Dự thảo Luật cũng quy định ngân sách nhà nước đảm bảo khi cơ sở thu không đủ chi để bảo đảm các điều kiện cho cơ sở KCB cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân (Khoản 2 Điều 107).

Để quy định về tự chủ phải đi đôi với việc đảm bảo chất lượng trong dịch vụ y tế, theo đại diện cơ quan thẩm tra Dự án Luật, Dự thảo Luật đã thiết kế quy định bắt buộc cơ sở KCB có trách nhiệm định kỳ đánh giá chất lượng và cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra trên cơ sở kết quả đánh giá của cơ sở (Khoản 7 Điều 60). Điểm a Khoản 3 Điều 110 về giá dịch vụ KCB đã quy định việc định giá dịch vụ KCB phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực hiện KCB.

“Do vậy, cơ chế tự chủ đối với cơ sở KCB của Nhà nước quy định như dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi khi thực hiện”, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - đại diện Cơ quan thẩm tra nhận xét.

Bổ sung các hình thức xã hội hóa

Về xã hội hóa trong hoạt động KCB, Dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến ĐBQH chỉnh lý Khoản 2 và Điểm đ Khoản 3 Điều 109 theo hướng bổ sung hình thức mượn tài sản, mua trả chậm, trả dần đối với thiết bị y tế; bổ sung việc khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh vào nội dung của xã hội hóa như thể hiện tại khoản 2 Điều 109 Dự thảo Luật…

Đối với ý kiến đề nghị giải quyết vấn đề bất cập trong thực tiễn khi tư nhân cung cấp trang thiết bị cùng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước hợp tác thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm hài hòa giữa các bên nhà nước - tư nhân - người bệnh, Dự thảo Luật đã tiếp thu và quy định: “tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng” và các hình thức thu hút nguồn lực xã hội hóa cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tiến hành việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB trước 2025

Về giá dịch vụ KCB, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá KCB; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ KCB; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ KCB. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như thể hiện tại Điều 110 và quy định lộ trình trước ngày 1/1/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ KCB đối với cơ sở KCB của Nhà nước như thể hiện tại Khoản 8 Điều 120 của Dự thảo Luật.

“Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính khả thi của quy định này”, UBTVQH đề nghị.

Liên quan đến thẩm quyền của Nhà nước trong định giá dịch vụ KCB, UBTVQH đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến thêm. Nội dung này đang có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá tối đa dịch vụ KCB đối với cơ sở KCB của Nhà nước (bao gồm giá KCB bảo hiểm y tế, giá dịch vụ KCB theo yêu cầu, giá dịch vụ KCB thực hiện bởi cơ sở thực hiện theo phương thức hợp tác đối tác công tư).

Loại ý kiến thứ hai đề nghị Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá dịch vụ KCB thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân. Đối với giá KCB theo yêu cầu, tôn trọng nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước,0 cơ sở KCB của Nhà nước được định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu theo nguyên tắc, căn cứ định giá quy định tại Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, kê khai giá và đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch.

Đối với các cơ sở KCB tư nhân, theo UBTVQH, mức đầu tư khác so với các cơ sở KCB của Nhà nước, do vậy, việc quyết định giá KCB của cơ sở tư nhân phụ thuộc vào mức đầu tư của cơ sở đó. Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất với Luật Giá, đề nghị quy định việc quyết định giá KCB của cơ sở tư nhân phải được thực hiện theo nguyên tắc, căn cứ định giá của Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, để quản lý giá, Dự thảo Luật cũng đã quy định cơ sở KCB có trách nhiệm kê khai giá, niêm yết giá bảo đảm công khai, minh bạch và chịu sự kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá. Quy định này vừa đảm bảo Nhà nước kiểm soát giá dịch vụ y tế, bảo đảm quyền của người bệnh; đồng thời, bảo đảm quyền tự quyết của cơ sở KCB tư nhân.

“Quy định này vừa đảm bảo Nhà nước kiểm soát giá dịch vụ y tế, bảo đảm quyền của người bệnh, đồng thời, bảo đảm quyền tự quyết của cơ sở KCB tư nhân”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu bên lề Kỳ họp, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) – Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Mặc dù đã tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội và các đối tượng khác có liên quan, nhưng Dự thảo Luật KCB không thể tháo gỡ hoàn toàn những vướng mắc hiện nay trong vấn đề tài chính, tự chủ bệnh viện, xã hội hóa…, mà còn chịu sự ràng buộc bởi quy định của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đối với tự chủ bệnh viện, ngoài tự chủ về tài chính, còn có một số yếu tố khác cần xem xét đồng bộ, đặc biệt là tự chủ về con người, bộ máy…”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư