Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Cần cân bằng giữa yếu tố thị trường và quản lý của Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách (5 - 7/4/2023) quy định khá chi tiết nhiều vấn đề về giá, nhưng còn thiên về quy tắc quản lý nhà nước, yếu tố hành chính nhiều hơn yếu tố thị trường, nặng về hoạt động của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, chưa xử lý hài hòa mối quan hệ này trong vấn đề giá. Điều này là chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Để hoàn thiện Dự án Luật Giá (sửa đổi), các ĐBQH chuyên trách đã đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề khác như: áp dụng các khái niệm, giải thích từ ngữ, áp dụng pháp luật, tính đồng bộ thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, bình ổn giá, thẩm định giá, định giá, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá, thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, nguyên tắc căn cứ phương pháp, tiêu chí thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá…

Cho rằng Dự thảo Luật lần này đã hoàn chỉnh hơn so với trước, nhưng ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) vẫn còn băn khoăn về tính chính xác của các định nghĩa về giá.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) tham luận với tư cách chuyên gia

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) tham luận với tư cách chuyên gia

Cụ thể, theo ĐBQH này, khái niệm giá là khái niệm trung tâm và xuất phát điểm của Luật. Tuy nhiên, ông Nhân bày tỏ băn khoăn về định nghĩa giá trong Dự thảo Luật. Theo đó, định nghĩa giá thị trường chưa phù hợp với nguyên tắc hình thành giá thị trường. Do đó, cần phải quy định lại định nghĩa cũng như sửa đổi lại khái niệm cơ sở hình thành giá. Theo Đại biểu, quy định trong Dự thảo Luật không phải mang tính thị trường...

Giá là vấn đề rất phức tạp và hình thành trên quan hệ cung và cầu, nhưng tinh thần trên vẫn chưa được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật, do đó, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề nghị sửa đổi lại là "giá thị trường là giá cả hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu phù hợp với chất lượng và giá trị sử dụng hàng hóa và khả năng chi trả của người mua".

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra rằng, định nghĩa về yếu tố hình thành giá trong Dự thảo Luật đang ngược với logic hình thành giá. Đặc biệt, khái niệm cơ sở hình thành giá không đúng với quy luật thị trường nên cần sửa đổi lại. Trên cơ sở đó, Đại biểu đề nghị quy định cơ sở hình thành giá là quan hệ cung cầu và thu nhập, khả năng chi trả của người tiêu dùng thể hiện ở số người cung cấp hàng hoá, dịch vụ ở quy mô thị trường. Theo đó, thị trường rất nhiều người bán khác với một số người bán và một người bán; đó là thị trường cạnh tranh, thị trường cạnh tranh hạn chế và thị trường độc quyền. Giá của ba loại thị trường này hình thành khác nhau, quy mô của người mua và khả năng người mua khác nhau;…

Cùng chung quan điểm với ông Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chỉ nên đưa ra các quy định để bảo đảm các quy trình hình thành, vận hành và quản lý yếu tố về giá, cần xác định có mấy loại giá và yếu tố thị trường vẫn là yếu tố quyết định. Thứ hai là quản lý nhà nước liên quan đến những vật tư, hàng hóa, thiết bị mà Nhà nước phải kiểm soát, phải bình ổn. Thứ ba, tạo ra hành lang pháp lý để cho các tổ chức, các hội, các đơn vị hoạt động liên quan về giá và để thực hiện được trong nền kinh tế thị trường. Thứ tư là những quy định để xử lý tranh chấp liên quan đến giá.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành (ĐBQH chuyên trách đoàn Thái Nguyên)

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành (ĐBQH chuyên trách đoàn Thái Nguyên)

Yếu tố hình thành giá luôn luôn biến động, nên ĐBQH Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính khả thi.

Mặc dù rất kỳ vọng nhưng ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) cho rằng, quy định về giá dịch vụ trong Dự thảo Luật còn quá mờ nhạt, gần như không có. Trong khi đó, theo Đại biểu, những vấn đề liên quan đến giá là cực kỳ phức tạp, là thành tố quan trọng và dễ phát sinh tiêu cực.

ĐBQH chuyên trách Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

ĐBQH chuyên trách Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

“Trong công tác đấu thầu, giá là đích đến của mọi cuộc thương thảo, giá cũng là vấn đề mà kẻ xấu hay lợi dụng tìm kẽ hở để trục lợi. Trong đó, giá dịch vụ y tế là rất phức tạp, bởi có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại… với nhiều mức giá rất khác nhau. Đơn cử như giá khám chữa bệnh (KCB) từ xa khác với KCB trực tiếp; giá KCB bác sĩ cũng có nhiều mức giá theo trình độ, uy tín…; giá KCB bác sĩ trong nước khác với bác sĩ nước ngoài… Nếu Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) không quy định rõ ràng, cụ thể, thì mọi thiệt thòi đều đổ lên đầu bệnh nhân”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đồng thuận với sự cần thiết duy trì Quỹ Bình ổn giá, nhưng theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), cần có quy định rõ ràng hơn về cơ chế quản lý, vận hành Quỹ một cách công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên là Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhân dân.

Đại biểu dẫn chứng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp nhưng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công Thương. Quỹ này thực chất là sử dụng tiền của dân nhưng quản lý lại bởi doanh nghiệp trích lập, do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng. Đại biểu cho rằng, để quản lý, Nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và bằng dự trữ nhà nước là điều cần phải được xem xét nghiêm túc.

Cùng chung quan điểm này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc quản lý Quỹ Bình ổn giá nên giao cho Bộ Tài chính, không giao doanh nghiệp để đảm bảo tính công bằng. Về lâu dài, cần có lộ trình để giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà, việc quy định Nhà nước tiếp tục định giá trần đối với giá dịch vụ hàng không, cảng biển đang gây lo ngại là không phù hợp với nguyên tắc thị trường, khi đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh lĩnh vực này, kể cả cảng biển, từ đó đề nghị doanh nghiệp được quyền tự định giá dịch vụ này.

Chuyên đề