Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Quy định chặt chẽ về chỉ định thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong ngày đầu làm việc của Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là quy định về các trường hợp chỉ định thầu, làm sao để vừa tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trong một số trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, vừa bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chặt chẽ, tránh lạm dụng hình thức đấu thầu này...
Quy định về chỉ định thầu tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trong một số trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả, chặt chẽ trong hoạt động đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên
Quy định về chỉ định thầu tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trong một số trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả, chặt chẽ trong hoạt động đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) rất quan tâm đến nội dung này bởi đây là hình thức cần thiết trong một số trường hợp, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tham nhũng khi không có cạnh tranh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo Luật theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Theo đó đã loại bỏ trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư, gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu tại Điểm k Khoản 1 Điều 23 của Dự thảo Luật. Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức quy định tại điểm này để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình với quan điểm này, nhưng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng với một số trường hợp cụ thể, như đối với tư vấn quy hoạch, để phù hợp với thực tiễn áp dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cơ bản nhất trí với phương án đã được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, ông Tùng đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc đối với các dự án quan trọng quốc gia có những yếu tố đặc thù. Theo đó, Quốc hội quyết định trường hợp cụ thể khi xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư đối với một số dự án cụ thể mà thấy cần phải có một quy định cho phép chỉ định thầu khác với quy định của Luật thì áp dụng quy định mang tính nguyên tắc.

Một số ý kiến khác còn băn khoăn quy định trường hợp chỉ định thầu với “gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu dịch bệnh cần triển khai ngay” có thể dẫn đến lạm dụng chỉ định thầu, cần Chính phủ quy định chi tiết hơn về điều kiện.

Thông tin thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc quy định trường hợp chỉ định thầu như tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động đấu thầu, mua sắm trong trường hợp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai..., hoặc trong trường hợp cần triển khai ngay để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Song song với đó, Dự thảo Luật đã quy định điều kiện chặt chẽ khi áp dụng chỉ định thầu để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lạm dụng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, hoàn thiện các quy định về chỉ định thầu theo hướng áp dụng trong các trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách.

Đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, bày tỏ tán thành nhiều nội dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nội dung quan trọng liên quan nhiều đến việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước, cắt giảm thủ tục đấu thầu, minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về phạm vi của Luật, nên áp dụng đối với việc sử dụng vốn nhà nước trong đầu tư, kể cả doanh nghiệp không có đồng vốn nhà nước nào nhưng sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, hoặc do Nhà nước giao nhiệm vụ thì phải đấu thầu. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không sợ quy định này làm chậm quá trình, mà quan trọng là cần làm minh bạch, công khai.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một dự án luật khó, không chỉ về quan điểm chính sách mà cả về kỹ thuật lập pháp. Thực tiễn quá trình thực hiện Luật Đấu thầu hiện nay cũng đặt ra những yêu cầu mới phát sinh, chưa có tiền lệ, đặc biệt là yêu cầu phải hoàn thiện Luật để vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Ngay sau Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH. Đồng thời, Bộ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp để rà soát, nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo Luật, trong đó đã tổ chức 5 cuộc họp để trao đổi chuyên đề về một số vấn đề quan trọng như: phạm vi điều chỉnh của Luật đối với doanh nghiệp nhà nước; mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị vật tư y tế và lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất…

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu. Đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của Dự thảo Luật.

Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, ý kiến các vị ĐBQH và chỉnh lý Dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 100 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 2 điều). Trong đó: bỏ 4 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi nội dung 55 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 25 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Chuyên đề