Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Định danh 9 hành vi vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến đã hoàn thiện thêm một bước quy định 9 nhóm hành vi bị cấm trong đấu thầu. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung trên theo hướng chặt chẽ và bao quát toàn bộ các khâu trong hoạt động đấu thầu, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm.
Chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc đã dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng là hành vi bị cấm trong đấu thầu. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc đã dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng là hành vi bị cấm trong đấu thầu. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Hành vi vi phạm ngày càng tinh vi

Thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, sau gần 10 năm thực thi Luật Đấu thầu, các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu ngày càng tinh vi, có vấn đề phát sinh mà Luật hiện hành chưa bao quát đầy đủ. Do đó, việc sửa đổi Luật là rất cần thiết nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu thầu.

Ông Chính cho biết, qua theo dõi quá trình xét xử cũng như quá trình giám sát pháp luật thấy rằng, có tình trạng hồ sơ mời thầu (HSMT) cài cắm tiêu chí nhằm hướng đến một số nhà thầu đã được định hướng, dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh. Thực tế có nhà thầu không đủ năng lực nhưng vẫn trúng thầu. Hành vi thông thầu cũng rất phức tạp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, hành vi cản trở trong đấu thầu thời gian qua rất đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả của công tác đấu thầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đánh giá, nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu thời gian qua có nguyên nhân phát sinh từ vi phạm trong quá trình thi hành Luật như: dàn xếp, thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm tiêu chí đánh giá trong HSMT, không công khai thông tin trong đấu thầu, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu…

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đấu thầu về các hành vi bị cấm trong đấu thầu còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, bao quát các vi phạm xảy ra trong thực tế như: cố tình cài cắm tiêu chí đánh giá trong HSMT; nhà thầu xếp hạng thứ nhất cố tình không nộp các tài liệu để đối chiếu, chứng minh về năng lực, kinh nghiệm mà không có lý do chính đáng; chuyển nhượng cho nhà thầu khác thực hiện công việc ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ…

Chế tài mạnh chặn đứng vi phạm

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung, hoàn thiện quy định về 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu (Điều 16), áp dụng cho cả người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư...

Một số quy định của Luật Đấu thầu về các hành vi bị cấm trong đấu thầu còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, bao quát các vi phạm xảy ra trong thực tế như: cố tình cài cắm tiêu chí đánh giá trong HSMT; nhà thầu xếp hạng thứ nhất cố tình không nộp các tài liệu để đối chiếu, chứng minh về năng lực, kinh nghiệm mà không có lý do chính đáng; chuyển nhượng cho nhà thầu khác thực hiện công việc ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ…

Các nhóm hành vi bị cấm bao gồm: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận; Cản trở; Không bảo đảm công bằng, minh bạch; Tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Chuyển nhượng thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa đáp ứng quy định về nguồn vốn dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.

Chẳng hạn, ở nhóm hành vi chuyển nhượng thầu, Khoản 8 Điều 16 Dự thảo Luật bổ sung các hành vi bị cấm bao gồm: chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc đã dành cho nhà thầu phụ đặc biệt nêu trong hợp đồng; chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu chưa vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng nhưng ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất mà không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận.

Về vấn đề này, trong Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, cơ quan thẩm tra nhìn nhận, các hành vi bị cấm chủ yếu quy định đối với nhà thầu; các hành vi bị cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư, người có ảnh hưởng ít được quy định. Do đó, đề nghị rà soát các hành vi bị cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định tại Bộ luật Hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn. Về quy định cấm hành vi cản trở, có ý kiến đề nghị quy định rõ và nên giao Chính phủ quy định chi tiết tại văn bản dưới luật về hành vi và chế tài đối với quy định này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Cơ quan soạn thảo cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, bổ sung đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu với mục tiêu không bỏ lọt hành vi vi phạm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư