Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Hài hòa, cân bằng nhiều mục tiêu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Đấu thầu là dự án luật khó cả về quan điểm chính sách và kỹ thuật lập pháp. Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh, vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước. Đâu là điểm cân bằng là một bài toán rất khó, bởi quản lý chặt quá thì sẽ làm mất quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, nhưng nếu lỏng quá lại không bảo đảm vai trò quản lý nhà nước.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng theo hướng bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước, nhưng không làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn nhà nước. Ảnh: Huyền Trang
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng theo hướng bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước, nhưng không làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn nhà nước. Ảnh: Huyền Trang

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 24/5/2023.

“Nóng” Nghị trường Quốc hội

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đã cố gắng tìm điểm cân bằng trong các quy định tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), trong đó có vấn đề điều chỉnh như thế đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây cũng là vấn đề làm “nóng” Nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận sáng ngày 24/5/2023, với nhiều đại biểu tham gia thảo luận.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội đưa ra 2 phương án (PA). PA 1 chỉ quy định các dự án đầu tư của DNNN thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như Luật hiện hành. Đây cũng là PA Chính phủ kiến nghị áp dụng.

PA2 đề xuất áp dụng với các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN theo quy định của Luật DN và DN có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ.

Chia sẻ tại Nghị trường, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho biết, trên thực tế, nhiều DNNN đã sử dụng vốn của mình thành lập các công ty con để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, với những DN mà ở đó có quyền chi phối thuộc về DNNN thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để bảo đảm tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) thì cho rằng, nên chọn PA 2 để tránh việc lạm dụng các cơ chế khác và né tránh quy định của Luật Đấu thầu. PA 2 sẽ bảo toàn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch. Một số ý kiến tán đồng PA 2, xuất phát từ lo ngại sẽ PA 1 có thể tạo ra khoảng trống pháp lý, nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ phương án hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu theo hướng bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của DNNN, nhưng không làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn nhà nước

Cũng trên Nghị trường Quốc hội, nhiều ĐBQH thẳng thắn tán đồng PA 1 khi cho rằng, loại hình công ty con của DNNN đã có nhiều cơ chế khác giám sát quản lý, siết chặt quá không chắc tốt, chi phí cơ hội mất đi lớn hơn nhiều lợi ích thu được.

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), pháp luật về DN đã phân biệt rõ DNNN và DN có vốn nhà nước, để từ đó có cơ chế quản lý phù hợp. DN có trên 50% vốn của Nhà nước đã là DNNN, chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu. DN có vốn góp của DNNN đã chịu sự quản lý của rất nhiều luật khác. “DNNN đầu tư vào DN khác, chỉ 50% thôi mà chịu quản lý của Luật Đấu thầu là không cần thiết. DN tổ chức đấu thầu ngoài tiền bạc còn phải tính đến cơ hội, thời gian, nhiều yếu tố khác. Siết chặt cứ nghĩ tốt, chưa chắc, chi phí cơ hội mất đi có khi lớn hơn rất nhiều”, ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, giám sát tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, kiểm tra. Không phải cứ áp dụng Luật Đấu thầu là mọi việc sẽ tốt hơn, bởi yếu tố quan trọng nhất chính là con người.

Cũng tán thành PA 1, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, Luật Đấu thầu cần hài hòa giữa yêu cầu quy định chặt chẽ để không thất thoát tiền bạc của Nhà nước, với việc tạo sự linh hoạt, chủ động cho các DN. Nếu thấy cần thiết, DN có quyền lựa chọn áp dụng Luật Đấu thầu, đó là quyền chứ không nên quy định bắt buộc.

Là người theo dõi hoạt động của DN nhiều năm, kiên định với quan điểm quản lý hiệu quả nhưng phải cởi mở, thông thoáng để tạo thuận lợi cho DN, ông Phan Đức Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, nếu mở rộng phạm vi Luật Đấu thầu cho công ty con của DNNN đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng.

Ông Phan Đức Hiếu nêu bật tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (hay còn gọi Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017) về tiếp tục cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực DNNN là tách bạch giữa sở hữu và quản trị tự chủ DN, đề cao quyền tự chủ DN. Quan điểm Nghị quyết Trung ương 5 nhấn mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tư tưởng này cần phải được bám sát trong việc xây dựng các văn bản luật, trong đó có Luật Đấu thầu.

Về cơ sở pháp luật, theo ông Hiếu, Luật DN và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật số 69) quy định về sở hữu vốn, DNNN đã được phân chia theo cấp độ sở hữu và mức độ sở hữu để có phương thức quản lý khác nhau. Nếu chỉ áp dụng 1 cơ chế đấu thầu cho nhiều loại DN có cấp độ và mức độ sở hữu khác nhau, sẽ không phù hợp chủ trương đường lối và pháp luật, hạn chế quyền tự chủ kinh doanh, sự nhanh nhạy tại các DN vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân. “Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nhà đầu tư tư nhân và cả của Nhà nước, có thể ảnh hưởng đến việc cổ phần hóa của DNNN”, ông Hiếu nói.

Cơ sở thực tiễn, theo ông Hiếu, thời gian qua nhiều gói thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, DNNN vẫn lựa chọn áp dụng quy trình của Luật Đấu thầu, đó là nhu cầu tự thân của DN. Trong các DN có hỗn hợp sở hữu bao gồm cả nhà nước và tư nhân, thì lợi ích của nhà đầu tư tư nhân là rất lớn. Chính các nhà đầu tư tư nhân cũng muốn kiểm soát hiệu quả DN, nên nhiều tập đoàn tư nhân, DNNN đã xây dựng cơ chế thanh tra, giám sát về đấu thầu, nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, chống thất thoát.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận

Phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận

Đề xuất chọn phương án hài hòa

Giải trình với các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, PA 1 bảo đảm không thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của DNNN, đồng thời cũng không tạo ra khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước tại các DN khác.

Theo Bộ trưởng, kể từ ngày Luật DN năm 2020 có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021) thì đối tượng DN được xác định là DNNN đã được mở rộng, không chỉ bao gồm DN 100% vốn nhà nước mà còn có cả DN trong đó Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên. Dự thảo Luật đã quy định DNNN thuộc các đối tượng nêu trên phải tuân thủ Luật Đấu thầu và do vậy, không thu hẹp phạm vi điều chỉnh đối với các DNNN.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 1 của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã quy định việc áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định như vậy vẫn bảo đảm nguyên tắc tất cả các dự án sử dụng vốn nhà nước, bất kể dự án đó của DNNN hay không phải của DNNN đều phải áp dụng Luật Đấu thầu.

Còn theo Luật số 69, vốn nhà nước sau khi đầu tư vào DNNN là vốn của DNNN. Luật 69 đã phân định rạch ròi giữa nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư tại DN khác để áp dụng cơ chế quản lý phù hợp. DN F1 (DN có vốn góp của DNNN - PV) khi đầu tư vào các dự án là dùng vốn tự có và vốn đi vay của DN F1. Nhà nước không cấp vốn thẳng vào các DN F1 để đầu tư mà vốn của DN F1 là vốn do DN tự làm ra và vốn đi vay, vẫn phải quản lý nhưng tính chất khác. Vì thế, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 và Luật 69 đối với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại DNNN thì DN có trách nhiệm bảo toàn, sử dụng có hiệu quả. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của DNNN tại các DN khác mà phải bảo đảm DN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, bảo đảm tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN, cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.

Ghi nhận các ý kiến của ĐBQH tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ xem xét phương án hoàn thiện quy định về vấn đề này theo hướng bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của DNNN, nhưng không làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn nhà nước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư