Dư địa lớn thúc đẩy thương mại với đối tác khu vực Á - Âu

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Khu vực Á - Âu bao gồm những quốc gia được coi là thị trường xuất khẩu truyền thống và quan trọng của Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này của doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn chiếm thị phần rất khiêm tốn. 

Cà phê Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu mạnh sang thị trường Á - Âu (ảnh: Internet)
Cà phê Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu mạnh sang thị trường Á - Âu (ảnh: Internet)

Thị trường tiềm năng

Khu vực Á - Âu là một liên khu vực có diện tích địa lý rộng lớn với khoảng 23 triệu km2, dân số trên 400 triệu người, trong đó có những quốc gia là thị trường xuất khẩu quan trọng của DN Việt Nam.

Trong số 27 nước đối tác của Việt Nam tại khu vực này thì có 11 nước đã tham vào Liên minh châu Âu (EU) và 5 nước đang trong quá trình gia nhập EU; 5 nước (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) đã thiết lập Liên minh Kinh tế Á - Âu. Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do với EU và Liên minh Kinh tế Á- Âu. Ngoài ra, Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phương với 14 Ủy ban liên Chính phủ/Ủy ban hỗn hợp và 1 cơ chế tham vấn hợp tác kinh tế song phương.

Thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu không ngừng được phát triển. Số liệu của cơ quan hải quan Việt Nam ghi nhận, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Á - Âu năm 2019 đạt 10,4 tỷ USD, tăng 20,78% so với năm 2018, chiếm 2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,43%, đạt 7,2 tỷ USD.

Năm 2020, mặc dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại với khu vực Á - Âu trong 10 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng ấn tượng với tổng kim ngạch hai chiều đạt 10,34 tỷ USD, tăng 17,98%.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu tổ chức ngày 10/12, tại Hà Nội, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương cho biết: “Nếu tính trên tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2020 của khu vực Á - Âu khoảng 1.400 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm 0,5% thị phần”.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu bên lề Diễn đàn, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: “Chi phí vận tải hàng hóa đối với các DN hiện rất cao. Trước kia, giao một contaner hàng hóa đi Nga có giá trên 1.000 USD, nhưng hiện đã lên trên 3.000 USD mà không có container để thuê. Với những quốc gia có cùng mặt hàng với Việt Nam mà có vị trí địa lý gần khu vực Á - Âu hơn thì chắc chắn hàng hóa của ta không thể cạnh tranh được”.

Một số ý kiến cho rằng, một loạt sản phẩm chiến lược như: thuỷ sản, cà phê, chè, rau quả... có khả năng lớn vào thị trường Á - Âu. Tuy nhiên, lượng hàng xuất khẩu khá hạn chế do vướng mắc về rào cản kỹ thuật hoặc do khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn kém.

Khơi thông thị trường bằng cách nào?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để các DN Việt Nam đa dạng hóa thị trường, khai thác nhiều hơn những cơ hội đang mở ra với các đối tác khu vực Á - Âu.

“Việc tận dụng hiệu quả FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu và Liên minh châu Âu cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam với các nước khu vực Á - Âu nói chung, khu vực Đông Âu, Trung Á nói riêng”, ông Linh nhấn mạnh.

Hiến kế cho vấn đề này, ở góc độ DN, ông Tuấn cho rằng, một trong những giải pháp cốt yếu hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Á - Âu đó là cắt giảm chi phí logistics. “Làm được điều này thì việc tìm kiếm các giải pháp cắt giảm chi phí logistics hỗ trợ DN là rất quan trọng bên cạnh các giải pháp tìm kiếm các thị trường mới”, ông Tuấn nhận xét.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, DN chè đang khúc mắc ở khâu vận tải như hiện không có đủ container hàng xuất đi dẫn tới hàng hóa Việt Nam bị chậm, phải xếp hàng phía sau hàng hóa Trung Quốc.

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho rằng, các DN Việt Nam cần mạnh dạn tận dụng các cơ hội đang mở ra từ các FTA mà Việt Nam đã có với các đối tác khu vực Á - Âu để khai thác, mở rộng thị trường. Ông Minh lưu ý, các DN xuất khẩu Việt Nam cần tuân thủ nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa ở thị trường này.

Cũng theo ông Minh, Việt Nam là một trong những nước cung cấp mặt hàng cà phê lớn nhất vào thị trường Nga, nhưng thương hiệu cà phê Việt Nam gần như không có trên kệ hàng của Nga do chủ yếu là sản phẩm thô, sản phẩm rang xay chỉ chiếm có 1%. “Vì vậy, các DN cần mạnh dạn, tận dụng các ưu đãi để đầu tư vào khâu rang xay chế biến, để nâng cao chất lượng cũng như số lượng sản phẩm tiêu thụ. Đồng thời, DN chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng; quảng bá rộng rãi thúc đẩy tiêu thụ”, ông Minh khuyến nghị.

Một số ý kiến cho rằng, hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước và các đại sứ quán ở các thị trường này cần cập nhật hơn thông tin về các thị trường cho cộng đồng DN, giúp gia tăng các cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa, mở rộng và đa dạng hóa mặt hàng.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN nhằm hỗ trợ tháo gỡ các rào cản, thiết lập các khung khổ khổ pháp lý thuận lợi hơn cho DN./.

Chuyên đề