Đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhận 2 luồng ý kiến khác nhau. Ảnh: Hoàng Hà |
Góp ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, không nên giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê. Theo Đại biểu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh, do đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nhiều cách khác nhau để chăm lo cho đời sống của công nhân, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn nên giao cho các đơn vị chức năng khác.
Trong khi đó, theo đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn. Việc để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực, để giải quyết vấn đề cấp bách này.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau hội nghị này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp ý kiến thảo luận và có báo cáo gửi đến các vị ĐBQH, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu tiếp thu giải trình tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật.