Dự án Khu đô thị Nam đường Hùng Vương (Bình Định): Long đong chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý tạm dừng việc triển khai các bước tiếp theo đối với Dự án Khu đô thị Nam đường Hùng Vương sau khi có kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Như vậy, sau hơn 3 năm triển khai với những biến cố thăng trầm, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 2.406 tỷ đồng này vẫn chưa chọn được nhà đầu tư.

Theo Quyết định của UBND tỉnh Bình Định ngày 15/7/2020 phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án, nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty CP Đầu tư Việt Tâm - Công ty CP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn. Dự án được thực hiện tại khu đất thuộc Khu vực 6, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, với tổng diện tích 697.841 m2. Tổng mức đầu tư là 2.406 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 732,7 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tối thiểu mà nhà đầu tư thu xếp để thực hiện Dự án là 361 tỷ đồng; vốn vay tối đa mà nhà đầu tư được huy động là 2.045,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là 60 tháng. Liên danh nhà đầu tư trúng sơ tuyển cũng là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự sơ tuyển, đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST).

Trong Liên danh, Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh đảm nhận khoảng 70% khối lượng công việc; mỗi thành viên còn lại đảm nhận 15% khối lượng công việc.

Như vậy, so với thời điểm phát hành HSMST (từ ngày 9/3 - 9/4/2020), tổng mức đầu tư của Dự án đã tăng hơn 318 tỷ đồng (tổng mức đầu tư tại bước mời sơ tuyển là 2.088 tỷ đồng); tổng diện tích đất sử dụng tăng lên 25.841 m2 (tổng diện tích đất sử dụng tại bước mời sơ tuyển là 672.000 m2). Cán bộ của Sở Xây dựng Bình Định (bên mời thầu - BMT) cho biết, việc tăng tổng mức đầu tư của Dự án là do BMT cập nhật lại định mức và suất đầu tư theo quy định mới của Nhà nước, trong khi nội dung mời thầu, các hạng mục công việc gần như không thay đổi.

Tuy nhiên, sau khi có kết quả sơ tuyển, Sở Xây dựng Bình Định đã có văn bản báo cáo UBND Tỉnh về 2 phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Thứ nhất là chỉ định nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của HSMST theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu (chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển). Thứ 2 là chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 13 Nghị định 25/2020/NĐ-CP (NĐ25, có hiệu lực từ ngày 20/4/2020). Trong khi phân vân giữa 2 phương án trên và chờ Thông tư hướng dẫn NĐ25 để có biện pháp xử lý đối với trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển nhưng chưa phát hành hồ sơ yêu cầu trước ngày 20/4/2020 (thời điểm NĐ25 có hiệu lực thi hành), Sở Xây dựng đã báo cáo và trình UBND tỉnh Bình Định tạm dừng việc triển khai các bước tiếp theo đối với Dự án.

Theo tìm hiểu, tháng 7/2017, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (sau đổi tên là Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh) triển khai Dự án Khu đô thị Nam đường Hùng Vương. Tại thời điểm đó, Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.978 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ quý IV/2017 đến quý II/2023. Tuy nhiên, tới tháng 5/2019, Dự án đã được UBND Tỉnh rà soát lại chủ trương đầu tư theo khuyến nghị của cơ quan chức năng về thanh tra và tiếp đó, UBND Tỉnh đã thu hồi Dự án do chưa có đủ cơ sở pháp lý để giao đất cho nhà đầu tư thực hiện.

Đến ngày 9/9/2019, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 3221/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục dự án có sử dụng đất (có giá trị thương mại cao) để tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư. UBND Tỉnh giao Sở Xây dựng Bình Định làm BMT, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định tại Nghị định 30/2015/NĐ-CP, nhưng sau đó chỉ có liên danh nêu trên nộp hồ sơ dự sơ tuyển.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ của Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, việc Dự án kéo dài thời gian triển khai, có nhiều biến cố trong lựa chọn nhà đầu tư do thay đổi về chính sách khiến Nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, mất đi cơ hội sớm hoàn thành và đưa Dự án vào khai thác, bị ứ đọng phần vốn mà Nhà đầu tư đã tạm ứng để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, để Dự án được triển khai đúng quy định, Nhà đầu tư sẽ kiên trì chờ đợi và không bỏ cuộc.

Chuyên đề