Dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản (BĐS) liên tục tăng, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của thị trường BĐS Việt Nam.
Phối cảnh Dự án Lumi Hanoi của Tập đoàn CapitaLand tọa lạc gần trung tâm hành chính mới phía Tây Thủ đô. Ảnh: Duy Hiệu
Phối cảnh Dự án Lumi Hanoi của Tập đoàn CapitaLand tọa lạc gần trung tâm hành chính mới phía Tây Thủ đô. Ảnh: Duy Hiệu

Ngay trong quý I/2024, CapitaLand Development (CLD) - nhánh phát triển BĐS của Tập đoàn CapitaLand khởi công 2 dự án BĐS lớn tại Bình Dương và Hà Nội. Trong đó, Dự án Lumi Hanoi với số vốn đăng ký 662 triệu USD là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất đăng ký vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024. CapitaLand đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của CapitaLand Development, với danh mục dự án nhà ở ngày càng tăng trưởng tại 3 tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương.

Bên cạnh thương vụ lớn này, nhiều nhà đầu tư đã rót vốn vào lĩnh vực đầu tư BĐS, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh doanh BĐS trong 4 tháng đầu năm 2024 lên 1,73 tỷ USD, tăng 78,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngành này đứng thứ 2 về thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm gần 18,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 4 tháng.

Lũy kế đến 20/4/2024, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gần 70,2 tỷ USD vào ngành kinh doanh BĐS, đứng thứ hai về lĩnh vực thu hút vốn, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì ổn định và đang có xu hướng chảy mạnh vào thị trường BĐS, tập trung chủ yếu vào phân khúc BĐS công nghiệp và một số dự án BĐS phân khúc khác có diện tích lớn, vị trí đẹp.

Tại Tọa đàm Cơ hội đầu tư BĐS với Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra tháng 4 vừa qua, TS. Ngô Công Thành - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp thuộc Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) nhận định, vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng trưởng mạnh là dấu hiệu cho thấy thị trường đang có thêm nhiều “người chơi” lớn và việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài sẽ là yếu tố quan trọng có thể cứu vãn thị trường trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo Savills Việt Nam, với lợi thế từ các yếu tố vĩ mô và sức hút trên hầu hết các phân khúc, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn cho dòng tiền và các nhà đầu tư. Mỗi phân khúc BĐS trong năm 2024 đều có những điểm nhấn riêng thu hút nhà đầu tư ngoại. Đơn cử, đối với phân khúc BĐS nhà ở, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư và có xu hướng phát triển các dự án mang thương hiệu riêng của mình trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhà ở của người dân cao.

Phân khúc BĐS văn phòng cũng nhận được nhiều sự chú ý. Theo quan sát của Savills, thị trường chứng kiến tăng trưởng nguồn cầu từ khối doanh nghiệp năng lượng, sản xuất và tư vấn. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, xu hướng thị trường văn phòng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực đầu tư và định vị sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh như các chứng chỉ: LEED, WELL, BREEAM… Đối với lĩnh vực bán lẻ, sự gia nhập của các “ông lớn” về mảng bán lẻ đã làm nổi bật sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư lớn đang tích cực tìm kiếm quỹ đất để triển khai các dự án BĐS thương mại dịch vụ hiện đại với quy mô lớn, tập trung vào trải nghiệm của người tiêu dùng…

Trong Báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS quý I/2024, Bộ Xây dựng cho biết, với việc Chính phủ thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp FDI đã ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng đầu tư. Tổng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, dòng vốn ngoại tiếp tục rót vào lĩnh vực BĐS. Trong đó, BĐS công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có xu hướng đầu tư vào các chuỗi nhà máy, dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư nhận định, ngoài những lợi thế về vĩ mô, dân số, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, thì những chính sách ban hành thời gian qua với lĩnh vực BĐS đã và đang củng cố niềm tin của giới đầu tư và mở ra nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, để duy trì sức hấp dẫn, thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng triển khai hiệu quả các luật sửa đổi liên quan thị trường BĐS sắp có hiệu lực, cải thiện hạ tầng giao thông, logistics, nhân lực và điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp…

Chuyên đề