Động lực tăng trưởng từ chiến lược “dược phẩm tiêu chuẩn cao”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành dược là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm năm 2023. Nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận khoản lãi kỷ lục, tăng trưởng cao nhờ kênh ETC (đấu thầu thuốc qua các bệnh viện, sở y tế). Đầu tư vào nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn EU-GMP, PIC/S-GMP… đã và đang là bước đi chiến lược của nhiều doanh nghiệp, hướng tới xuất khẩu và tham gia đấu thầu tại các phân khúc dược phẩm đòi hỏi tiêu chuẩn cao.
Nhiều doanh nghiệp dược đã và đang đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp dược đã và đang đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao. Ảnh: Lê Tiên

Hiệu quả của doanh nghiệp dược

Năm 2023, Công ty CP Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần tăng 7% lên 5.015 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lần đầu vượt mốc nghìn tỷ với 1.051 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022, tương đương lãi gần 2,9 tỷ đồng mỗi ngày. Công ty cho biết, đạt được kết quả này là nhờ tập trung bán các sản phẩm chiến lược, thiết lập hệ thống phân phối chặt chẽ và kết nối được với khách hàng.

Với thị phần số 1 (16,4%) tại thị trường ETC nhóm 2 (thuốc kê đơn), Công ty CP Dược phẩm Imexpharm cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2023. Cụ thể, doanh thu thuần của Imexpharm đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế gần 300 tỷ đồng, tăng 35%.

Imexpharm cho biết, thuốc kháng sinh vẫn là thế mạnh cốt lõi của Công ty, đóng góp 74% vào tổng doanh thu. Các nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP (IMP2, IMP3 và IMP4) với danh mục sản phẩm hướng tới kênh ETC cũng đóng góp cao hơn vào doanh thu và lợi nhuận của Công ty nhờ tăng công suất hoạt động.

Không chỉ Dược Hậu Giang, Imexpharm, nhiều doanh nghiệp dược khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận ròng năm 2023 cao nhất trong lịch sử hoạt động, như: Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) lãi 269,3 tỷ đồng (tăng 10,6% so với năm 2022); Công ty CP Dược phẩm dược liệu Pharmedic lãi 83,6 tỷ đồng (tăng 0,18%); Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 đạt mốc lợi nhuận kỷ lục 125 tỷ đồng (tăng 15%); Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 lãi ròng 116 tỷ đồng (tăng 130%); Công ty CP Dược Danapha lãi ròng 77,3 tỷ đồng (tăng 56,8%)…

Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng, việc khơi thông pháp lý đã thúc đẩy ngành dược phẩm tăng trưởng. Từ đầu năm 2023, các văn bản pháp lý mới được ban hành đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn như: Nghị quyết số 80/2023/QH15 cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP giúp giải quyết các hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT); Nghị quyết số 30/NQ-CP giải quyết vướng mắc liên quan đến mua sắm vật tư, TTBYT nhập khẩu, thanh quyết toán bảo hiểm y tế hoặc những điều kiện để thực hiện đấu thầu theo quy định pháp luật; Thông tư số 06/2023/TT-BYT tháo gỡ những bất cập về giá thuốc trúng thầu…

Tăng đầu tư, tăng vị thế thuốc Việt

Trong khi doanh thu phân phối qua kênh OTC (thuốc bán không kê đơn, bán qua kênh bán lẻ của nhà thuốc, quầy thuốc) năm 2023 của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí sụt giảm, thì sự phục hồi doanh thu qua kênh ETC trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành.

Theo số liệu từ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, tổng giá trị trúng thầu thuốc (tổng hợp kết quả trúng thầu theo báo cáo của các cơ sở y tế từ 1/1 - 26/12/2023) đạt 47.569,8 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo gần đây của Mirae Asset Việt Nam cho biết, hiện chỉ có 16 trong tổng số 250 nhà máy sản xuất thuốc tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S-GMP. Các sản phẩm của nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/S-GMP đủ điều kiện tham gia đấu thầu các phân khúc thuốc Nhóm 1 và Nhóm 2 - những nhóm thuốc có yêu cầu cao về chất lượng, có giá bán và biên lợi nhuận cao. Một số ít doanh nghiệp như Imexpharm, Công ty CP Pymepharco theo đuổi chiến lược đầu tư nhà máy EU-GMP từ trước năm 2015 và đã sớm “hái quả ngọt” từ các nhà máy này.

Đón đầu triển vọng tăng trưởng của kênh ETC, Dược Hậu Giang, Imexpharm, Bidiphar, Danapha, Công ty CP Dược phẩm Cửu Long, Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex… đã mạnh tay đầu tư/lên kế hoạch đầu tư các dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn cao như EU-GMP hoặc tương đương để sản phẩm đủ khả năng tham gia đấu thầu tại các phân khúc thuộc nhóm đầu.

Cuối năm 2023, Bidiphar đã khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn EU-GMP và khởi công Dự án Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn EU-GMP tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư của Bidiphar được đầu tư xây dựng với 2 dạng bào chế là thuốc tiêm công suất 3 triệu sản phẩm/năm và thuốc viên với công suất 70 triệu sản phẩm/năm.

Hiện nay, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây đang tiếp tục đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy công nghệ cao Hataphar tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Tổng mức đầu tư cho Dự án tính đến cuối năm 2023 là 627 tỷ đồng. Nhà máy dự kiến sẽ đạt chứng nhận Japan/GMP vào năm 2025, sản xuất thương mại vào năm 2026. Công suất tối đa dự kiến đạt 2 tỷ viên/năm, đáp ứng nhu cầu không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.

Không nằm ngoài xu hướng cạnh tranh các sản phẩm thuốc chất lượng cao, Công ty CP Dược Danapha đang đổ hàng trăm tỷ đồng đầu tư Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao quy mô 3 ha tại Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng. Nhà máy gồm các dây chuyền sản xuất thuốc uống dạng rắn (OSD) non-betalactam, thuốc nước non-betalactam với công nghệ hiện đại BFS… Trong đó, phân kỳ 1 (tổng mức đầu tư 475 tỷ đồng) đã hoàn thành, phân kỳ 2 của Dự án có tổng giá trị đầu tư là 723 tỷ đồng.

Theo một số chuyên gia dược phẩm, việc đẩy mạnh nâng cấp, cải tiến và hoàn thiện hệ thống chất lượng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất thuốc theo các quy chuẩn ngày càng cao là con đường không thể khác để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu.

Chuyên đề