Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng cao nhưng giá trị gia tăng mang lại chưa cao. Ảnh: Tiến Tân |
Giá trị gia tăng thấp
Tại tọa đàm “Phát triển XK bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA”, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam hiện là một trong những cường quốc XK với xếp hạng thứ 24 trong số 240 nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng XK thuộc nhóm cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hoá XK chuyển dịch theo hướng tích cực. Trước đây, Việt Nam XK chủ yếu là nông, lâm, thủy sản, nguyên liệu thô nhưng hiện chủ yếu là sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 86% tổng kim ngạch XK). Nhiều sản phẩm như gạo, cà phê, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… đứng top đầu thế giới.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận đó, XK của Việt Nam vẫn chưa bền vững. “XK tăng trưởng mạnh về số lượng nhưng về chất còn yếu. Kim ngạch XK tuy cao nhưng giá trị gia tăng thấp nên thực sự phần giá trị được hưởng rất ít. So với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore…, giá trị gia tăng của hàng hóa XK Việt Nam thấp hơn nhiều”, ông Phương phân tích.
Thêm vào đó, Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi sản phẩm của khối này chiếm ¾ tổng kim ngạch XK.
Theo ông Lê Quốc Phương, với việc tham gia vào nhiều FTA chất lượng cao, cơ hội thúc đẩy XK hàng hóa đã mở rộng với Việt Nam. Tuy nhiên, các FTA này cũng đặt ra những thách thức, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các DN cả trên “sân nhà” và “sân khách”. Các FTA đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật trong khi tiềm lực, năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế.
Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, mặc dù các con số XK tăng nhưng DN dệt may chưa tận dụng được các FTA vì chưa tuân thủ được các quy tắc xuất xứ. “Theo thống kê, với EVFTA, chúng ta tận dụng ưu đãi mới chỉ đạt 15% trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU; với CPTPP, quy tắc từ sợi trở đi, gần như chúng tôi vẫn chưa tận dụng được”, đại diện Vinatex dẫn chứng.
Dự báo về tình hình từ nay đến cuối năm, cả DN cũng như chuyên gia kinh tế đều nhận định, trong ngắn hạn, hoạt động XK sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức do nhiều nền kinh tế lớn - là các thị trường XK chủ lực của Việt Nam đang đứng ở bờ vực suy thoái kinh tế với lạm phát tăng cao, chi phí logistics chưa giảm, xung đột tại Ukraine còn phức tạp…
Đòi hỏi thay đổi về chất
Hiến kế hỗ trợ DN tận dụng được cơ hội từ các FTA, ông Lê Quốc Phương cho rằng, đầu tiên là phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tập trung tăng khả năng cạnh tranh để DN Việt vươn lên ngang bằng với các DN FDI trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, giảm chi phí, thời gian để DN tập trung vào sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới…
Về phía DN, theo ông Phương, cần nâng cao tính chủ động, thúc đẩy đầu tư chuyển đổi số cũng như đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của các FTA đang đặt ra.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) thuộc Bộ Công Thương cam kết, đơn vị sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương cũng như hiệp hội ngành hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM.
Ông Tài khuyến nghị các DN cần chủ động hơn trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác; chú trọng nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào phi thuế quan…
Đại diện Vinatex chia sẻ, hiện Tập đoàn đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung ứng trọn gói trong chuỗi cung ứng từ sợi, vải, đến các sản phẩm may mặc cuối cùng cho dòng dệt kim phổ thông. Các sản phẩm hướng tới là sản phẩm xanh, phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
“Nếu trở thành điểm cung ứng trọn gói cho khách hàng đối với dòng dệt kim phổ thông thì giá trị gia tăng dệt may có thể đạt khoảng 80%. Như vậy, các quy tắc xuất xứ không còn trở ngại”, Vinatex thông tin. Bên cạnh đó, Vinatex cũng đẩy mạnh phát triển các mặt hàng cho thị trường ngách nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.